Non nước Việt Nam

Phát triển kinh tế từ di sản văn hóa

Cập nhật: 10/12/2024 13:57:47
Số lần đọc: 114
Lâu nay các địa phương thường quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) chứ chưa chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế “từ di sản thành tài sản”. Tuy nhiên, hành trình “biến di sản thành tài sản” là không dễ dàng, thậm chí gây ra tác dụng ngược nếu như thương mại hóa quá mức…


Cửu đỉnh là bảo vật quốc gia được đặt tại sân Thế tổ miếu bên trong Hoàng thành Huế. Ảnh: N.Quốc.

Đầu tư giá trị cho tương lai

Mới đây, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu kiến trúc và đô thị Hàn Quốc, Công ty TNHH SMC Huế tổ chức diễn đàn quốc tế chủ đề “Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại Huế”.

Theo ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Quần thể di tích cố đô Huế không chỉ là công trình kiến trúc đơn thuần mà còn là nơi lưu giữ âm nhạc cung đình, thơ văn trên kiến trúc và những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng (cửu đỉnh), hệ thống thủy đạo, cảnh quan, cây xanh…

Sự giao thoa này tạo ra một trải nghiệm văn hóa tổng thể, khác biệt hoàn toàn so với các di sản đơn lẻ ở những địa phương khác; mở ra cơ hội phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm đa chiều, kết hợp giữa tham quan, thưởng thức nghệ thuật và học hỏi lịch sử. Hơn nữa, sự hiện diện của cả di sản vật thể và phi vật thể tạo điều kiện để Huế phát triển một nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo độc đáo.

Ông Trung cũng đề xuất các mô hình để phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số dựa trên 5 trụ cột, bao gồm: khai thác không gian di sản y học của Thái y viện (với các dịch vụ sức khỏe dành cho du khách, phát triển các sản phẩm cung đình phục vụ sức khỏe, dưỡng sinh và làm đẹp); khai thác hệ thống thủy đạo kinh thành Huế (để phát triển các tour du lịch sinh thái như du thuyền, ẩm thực và tái hiện lịch sử trên sông); khai thác không gian thượng thành (để hình thành các tour du lịch trải nghiệm); tăng cường giáo dục di sản và tổ chức festival văn hóa 4 mùa, các festival chuyên đề như festival võ thuật, festival nhã nhạc, lễ hội cung đình, festival triển lãm, hội chợ văn hóa; triển lãm cây cảnh, phong lan, tổ chức các show trình diễn ánh sáng, bảo tàng số trên nền di sản…

Ở một góc nhìn khác, TS Reigh Young Bum - Chủ tịch Viện Nghiên cứu về kiến trúc và đô thị Hàn Quốc (AURI) cho rằng tham khảo từ các thành phố lớn trên thế giới như Paris (Pháp), New York (Mỹ) và London (Anh) cho thấy giá trị bảo tàng sẽ đem lại năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế của thành phố. Riêng London hệ thống bảo tàng thu hút 20 triệu khách quốc tế mỗi năm.

“Với cố đô Huế, việc mở rộng hệ sinh thái văn hóa có thể mang lại sức sống mới cho du lịch lịch sử của thành phố, thúc đẩy giao lưu giữa các trường học và các nhóm sáng tạo khác nhau trong cộng đồng địa phương thông qua văn hóa và giáo dục nghệ thuật. Đó là một khoản đầu tư có giá trị cho tương lai nhằm tích lũy vốn xã hội trong thành phố, chẳng hạn như tạo ra một không gian mà mọi người có thể làm việc” - TS Reigh Young Bum khuyến nghị, đồng thời gợi ý Huế có thể thành lập tổ hợp trung tâm thương mại và bảo tàng lịch sử.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất về các mô hình, ý tưởng về kinh tế xanh và kinh tế số tích hợp trong kinh tế di sản để đưa kinh tế của Huế phát triển bền vững trong bối cảnh mới, đặc biệt khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Giá trị di sản trong hàng hóa

Phát huy giá trị DSVH trong du lịch, kinh tế tuy không phải là vấn đề mới nhưng vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Bởi quan trọng nhất là làm sao có được lợi ích kinh tế nhưng không làm mất giá trị di sản, không hủy hoại di sản.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy từ lâu công tác bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH được chính quyền địa phương quan tâm, ưu tiên hơn là việc phát triển kinh tế “từ di sản thành tài sản”, trong khi DSVH chính là nguồn lực để phát triển kinh tế địa phương. Kinh tế di sản là những lợi ích thu được từ việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp một di sản.

Với nước ta, Huế và Hội An chính là điển hình thành công của định hướng đưa di sản trở về với cộng đồng, thu hút khách du lịch, tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương và việc làm cho người dân. Có thể thấy du lịch chỉ phát triển bền vững khi tạo lập mối quan hệ hữu cơ về lợi ích với cộng đồng cư dân và các ngành kinh tế dịch vụ ở địa phương.

Theo TS Trần Hữu Sơn (Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa - du lịch), kinh tế di sản là một khái niệm liên ngành kinh tế và văn hóa. Riêng du lịch di sản đã bao gồm nhiều loại hình khác nhau nhưng đều liên quan đến DSVH vật thể và phi vật thể. Một đặc điểm nổi trội của di sản, di tích là tính biểu tượng rất cao. Các di tích ở Hội An, Hà Nội đều trở thành các biểu tượng. Đây là một đặc điểm về con đường phát huy giá trị DSVH trong hàng hóa. Tính biểu tượng của di sản càng được quảng bá, càng hàm chứa giá trị nổi tiếng thì biểu tượng đó càng trở thành đắt giá. Các di tích, DSVH phi vật thể đã tạo ra một ngành sản xuất mới: ngành sản xuất đồ lưu niệm, quà tặng mang tính biểu tượng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên các giá trị của DSVH để phát triển kinh tế. Giá trị kinh tế của di sản không như một thứ hàng hóa thông thường, mà phải chuyển đổi vào trong các loại hàng hóa khác để tạo ra lợi nhuận.

Tuy nhiên, hành trình “biến di sản thành tài sản” là không dễ dàng, thậm chí gây ra có tác dụng ngược nếu như thương mại hóa quá mức và không có lộ trình và chiến lược rõ ràng cho từng di sản. Đó chính là phát triển không bền vững.

Vì vậy, cần đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, làm kinh tế nhưng không làm tổn hại đến di sản, có như thế thì phát triển mới bền vững.

Phương Anh

Nguồn: Báo Đại đoàn kết - daidoanket.vn - Đăng ngày 09/12/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT