Phja Mạ (Bắc Kạn): điểm hấp dẫn du khách khám phá thiên nhiên
Thôn Phja Mạ hiện nay chính là địa điểm đồn Phja Mạ thời kì Pháp thuộc. Vị trí này trước đây thuộc thôn Nà Mặn. Năm 2019, thực hiện chủ trương của Nhà nước về sáp nhập các thôn, xã trên địa bàn tỉnh thôn Nà Mặn và thôn Kháp Khính được sáp nhập và lấy tên thôn mới là Phja Mạ.
Dấu tích một đoạn tường đồn Phja Mạ còn sót lại.
Hiện nay tuyến đường từ trung tâm xã lên thôn Phja Mạ đã được bê tông hóa, xe máy có thể đi lại dễ dàng. Thôn có 570 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao định cư ở đây từ lâu. Để lên đến điểm chính nơi có dấu tích đồn Phja Mạ phải đi bộ thêm khoảng 500m ở vị trí gần đỉnh núi. Khu vực này là những bãi cỏ trải rộng và được người dân thả ngựa bạch và ruộng nương canh tác lúa, ngô. Địa điểm này có thể cắm trại và tổ chức các hoạt động ngoài trời và có những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo sườn núi tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp đặc biệt trong thời điểm lúa chín vàng.
Tại ví trí đồn Phja Mạ có thể quan sát được toàn bộ khu vực trung tâm các xã Giáo Hiệu, Công Bằng.
Tại vị trí đồn Phja Mạ có thể bao quát bốn bề xung quanh. Phía Bắc giáp với xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Phía Nam giáp với hai xã Hồng Thái và Yên Hòa, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang và có thể quan sát toàn bộ khu trung tâm của các xã Giáo Hiệu và xã Công Bằng.
Khu tái định cư Phiêng Luông- Trung tâm xã Công Bằng (Pác Nặm).
Ngoài ra xã Công Bằng còn có các dòng suối như Nặm Sai, Nà Giang, Ta Cáp chảy trên địa bàn và hợp thành một trong hai nhánh chính của thượng lưu sông Năng ngay trên địa phận xã và nhiều các địa điểm cho du khách khám phá, trải nghiệm dịp cuối tuần.
Hy vọng trong thời gian tới với sự quan tâm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như định hướng phát triển du lịch của huyện Pác Nặm, các địa điểm mới được khám phá cần được quan tâm đầu tư cũng như phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch./.
Nguyễn Nghĩa