Hoạt động của ngành

Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Hà Tĩnh cần tập trung phát triển sản phẩm chất lượng, nâng tầm thương hiệu điểm đến

Cập nhật: 10/04/2024 09:54:25
Số lần đọc: 690
(TITC) - Chiều 9/4, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Tĩnh với các tỉnh phía Bắc do Sở VHTTDL Hà Tĩnh phối hợp với Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh tổ chức.

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu; Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Mạnh Thản; GS.TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam; cùng đại diện các Sở VHTTDL, Sở Du lịch, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp lữ hành các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Hà Tĩnh nằm trên tuyến du lịch “Con đường Di sản Miền Trung”, có các trục giao thông quan trọng mang tính chiến lược và liên kết vùng như Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc, đường sắt Bắc Nam, Quốc lộ 8 và quốc lộ 12 nối Hà Tĩnh với Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo và Cửa khẩu Quốc tế Chalo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu phát biểu khai mạc hội nghị.

Được biết đến là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, Hà Tĩnh là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa, chí sỹ yêu nước, nhà cách mạng gắn liền với nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du, Quần thể di tích Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Ngã ba Đồng Lộc... Các đền, chùa nổi tiếng linh thiêng như: Chùa Hương Tích, đền Chợ Củi, đền Chiêu Trưng, đền bà Bích Châu… thu hút du khách thập phương đến thưởng ngoạn và chiêm bái.

Hà Tĩnh sở hữu nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Xuân Hải, Chân Tiên, Thạch Hải, Kỳ Ninh; nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Núi Hồng - Sông La, Khu du lịch văn hóa sinh thái Hải Thượng, Khu du lịch sinh thái nhà vườn Đức Đường, Vườn quốc gia Vũ Quang, suối nước nóng Sơn Kim, thác Vũ Môn, hồ Ngàn Trươi, Hoành Sơn Quan…; nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị được UNESCO vinh danh như: dân ca ví, giặm, ca trù…Đây là lợi thế để tỉnh phát triển du lịch biển, du lịch văn hoá lịch sử, văn hoá tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

GS.TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Nghệ An, Sở VHTTDL Hà Tĩnh, Hiệp hội Du lịch các tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh cùng chủ trì hội nghị

Phát huy tiềm năng, lợi thế, những năm gần đây, ngành du lịch Hà Tĩnh đã có sự phát triển đáng kể về cơ sở hạ tầng cũng như sản phẩm dịch vụ du lịch. Toàn tỉnh hiện có 294 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 7.000 phòng, trong đó có 2 sơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao, 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao, 8 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 1.553 nhà hàng ăn uống.

Trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về tăng cường phát triển du lịch, đồng thời xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và từng thời kỳ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch địa phương, đồng thời đề xuất các giải pháp liên kết đầu tư phát triển du lịch Hà Tĩnh với các tỉnh. Một số ý kiến cho rằng, Hà Tĩnh cần phát huy lợi thế để xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, xác định đối tượng khách hàng, có chiến lược quảng bá phù hợp, xúc tiến mạnh mẽ liên kết vùng…

Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đánh giá cao nỗ lực của ngành du lịch Hà Tĩnh trong thời gian qua, đặc biệt là sự phục hồi, phát triển sau dịch Covid-19.

Phó Cục trưởng đề nghị trong thời gian tới, tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở ban ngành phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch tạo điều thuận lợi cho du lịch phát triển; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng  phục vụ du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối các khu điểm du lịch; tiếp tục có các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, thu hút đầu tư tiềm năng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững.

Hà Tĩnh cần chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, độc đáo, hấp dẫn, tăng cường liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”; quan tâm đầu tư phát triển, nâng tầm thương hiệu điểm đến, kéo dài mùa vụ du lịch, mở rộng thị trường khách du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ, cách giao tiếp, ứng xử trong du lịch; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển tour du lịch “3 địa phương - 1 điểm đến - nhiều trải nghiệm”.

Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Tĩnh với các tỉnh phía Bắc được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh theo biên bản đã được ký kết và thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng (Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa) giai đoạn 2022-2027 và Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh giai đoạn 2022 -2025.

Qua đó nhằm thu hút sự quan tâm đầu tư, liên kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhất là các tỉnh phía Bắc và trong khu vực nhằm góp phần đưa du lịch Hà Tĩnh trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 09/4/2024

Cùng chuyên mục