Tin tức - Sự kiện

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Quy hoạch tỉnh Điện Biên sẽ tạo động lực mới cho tỉnh bước vào giai đoạn phát triển mới

Cập nhật: 17/03/2024 17:43:18
Số lần đọc: 708
(TITC) - Sáng 17/3, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trao Quyết định chủ trương đầu tư một số dự án trên địa bàn tỉnh.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Điện Biên cho lãnh đạo tỉnh Điện Biên. Ảnh: TITC

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô nhấn mạnh: Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt nhằm công bố rộng rãi các nội dung của quy hoạch tỉnh, đồng thời tiếp tục mở rộng tầm nhìn và khát vọng, mong muốn đưa Điện Biên đến gần với các nhà đầu tư để chia sẻ, hợp tác giúp Điện Biên phát triển nhanh và bền vững.

“Quy hoạch tỉnh Điện Biên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở để tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng.” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô nhấn mạnh 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô khai mạc hội nghị. Ảnh: TITC

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 109/QĐ-TTg, ngày 27/1/2024 cho lãnh đạo tỉnh Điện Biên.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên - mảnh đất lịch sử có vị trí chiến lược trong vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch tỉnh Điện Biên sẽ tạo ra động lực mới, sức lan tỏa mới cho Điện Biên bước vào giai đoạn phát triển mới. Điện Biên có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, là vùng biên cương, phên dậu của Tổ quốc với 455km đường biên giới kết nối với Lào và Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhận định tỉnh Điện Biên có tài nguyên đất đai khoáng sản phong phú đa dạng, có tiềm năng lớn về thủy điện và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, kỳ vĩ; những thác nước ẩn mình, những đỉnh núi mây ngàn, những cánh rừng nguyên sinh. Đây là những thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế, xã hội như du lịch, sản xuất nông nghiệp sinh thái, phát triển kinh tế lâm nghiệp và sản xuất tín chỉ carbon năng lượng xanh trong thời đại tới.

Điện Biên được biết đến là mảnh đất anh hùng giàu truyền thống lịch sử cách mạng với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu cùng với bản sắc văn hóa đặc sắc, đa dạng của các dân tộc anh em. Điều đó khẳng định Điện Biên hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh của vùng trung du miền núi phía Bắc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TITC

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Điện Biên cần ưu tiên đầu tư nguồn lực các dự án hạ tầng quan trọng để liên kết vùng và quốc tế, kết nối Việt Nam với hai nước bạn Lào và Trung Quốc, trục kết nối Việt Nam với Đông Nam Á và Trung Quốc.

Tỉnh cần quan tâm để kết nối và phát huy lợi thế của các vùng trong tỉnh, các hệ thống kết nối giao thông và các huyện; đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hệ thống cơ sở y tế giáo dục, văn hóa. Từ đấy dẫn dắt, thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án có tính động lực, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa và trực tiếp phục vụ cho định hướng, nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong quy hoạch tỉnh.

Phát huy các lợi thế của tỉnh để chuyển dịch các nền tảng tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, chuyển đổi số trong thương mại, quảng bá du lịch điểm đến để xóa nhòa khoảng cách khó khăn về địa lý. Cần phải phát huy khai thác tiềm năng, lợi thế của Điện Biên để trở thành trung tâm du lịch về văn hóa, về lịch sử, sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và chăm sóc sức khỏe của vùng Tây Bắc với hạt nhân là khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ.

Bên cạnh đó, Điện Biên cần thu hút các doanh nghiệp lớn, thiết kế được cả sản phẩm du lịch đẳng cấp độc đáo với xứ sở hoa ban như du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc; tăng cường quảng bá thương hiệu và kết nối điểm đến sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng như Lào Cai, Sơn La và Vân Nam (Trung Quốc).

Điện Biên cần phát huy thế mạnh về kinh tế nông lâm nghiệp hiệu quả, bền vững và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt cần sớm quy hoạch vùng trồng, quy trình sản xuất, chế biến, xây dựng giá trị thương hiệu để vượt qua các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường tiêu dùng.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn công bố Quyết định. Ảnh: TITC

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn đã công bố Quyết định và giới thiệu tóm tắt nội dung quy hoạch quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo đó, phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Điện Biên với quy mô khoảng 9.539,92 km2, gồm 10 đơn vị hành chính: Thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, huyện Mường Nhé, huyện Mường Chà, huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo, huyện Mường Ảng, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông và huyện Nậm Pồ.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Ngành dịch vụ chiếm khoảng 41,2%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 12,7%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 42,4% (trong đó công nghiệp chiếm khoảng 12,1%). Đến năm 2030 GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng (theo giá hiện hành), năng suất lao động đạt 190,0 triệu đồng (theo giá hiện hành); giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8%.

Quy hoạch đưa ra 4 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng. Trong đó phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Phấn đấu đến năm 2030, du lịch đóng góp trên 10% GRDP của tỉnh. Đến năm 2050, Điện Biên là trọng điểm du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái quốc gia hướng tới đẳng cấp quốc tế, phát triển mạnh dịch vụ thương mại và vùng biên giới ổn định, vững chắc.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC

Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, mang tính đặc thù của tỉnh gồm: Du lịch lịch sử văn hóa: Nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung khai thác nhu cầu du lịch lịch sử gắn với khai thác, phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, nâng cấp lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành lễ hội - sự kiện quốc tế; khai thác phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc và các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng.

Du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên: Du lịch sinh thái gắn với hồ, rừng; chinh phục đỉnh A Pa Chải (huyện Mường Nhé), đỉnh núi Phù Lồng (huyện Điện Biên Đông); vượt đèo Pha Đin,...

Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe: Nghỉ dưỡng hồ (hồ Pá Khoang, lòng hồ thị xã Mường Lay); nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tắm khoáng nóng (U Va, Hua Pe, suối khoáng nóng Bản Sáng); thể thao, giải trí (sân gôn, đua thuyền, các môn thể mạo hiểm như dù lượn, xe đạp địa hình); tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia, quốc tế gắn với phát triển du lịch (việt dã, dù lượn).

Phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ như: Du lịch biên mậu (gắn với cột mốc A Pa Chải, cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cửa khẩu Huổi Puốc); du lịch thương mại, công vụ; du lịch nông nghiệp gắn với các sản phẩm OCOP, nghề truyền thống, bản văn hóa du lịch cộng đồng...

Phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên phát triển theo 04 trục động lực - 03 vùng kinh tế - 04 cực tăng trưởng. 

Trong đó 04 trục động lực gồm: Trục kinh tế động lực theo quốc lộ 279, tuyến cao tốc Điện Biên - Sơn La - Hà Nội, gắn với cảng hàng không Điện Biên; Trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 6; Trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 4H kết nối với vùng phía Tây của tỉnh.

03 vùng kinh tế gồm: Vùng kinh tế I (vùng kinh tế động lực): Bao gồm thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông; là vùng động lực phát triển đa dạng các lĩnh vực: Nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ… Vùng kinh tế II: Bao gồm huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo và huyện Mường Ảng; là vùng tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, du lịch. Vùng kinh tế III: Bao gồm huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ, huyện Mường Chà và thị xã Mường Lay; là vùng tập trung phát triển nông lâm nghiệp và thuỷ sản, du lịch thương mại dịch vụ.

04 cực tăng trưởng gồm: Thành phố Điện Biên Phủ; Thị xã Mường Lay; Thị trấn Tuần Giáo; Thị trấn Mường Nhé.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng hội nghị. Ảnh: TITC

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường khẳng định thời gian tới tỉnh sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung phổ biến nội dung quy hoạch tỉnh, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trong quy hoạch. Tập trung rà soát các quy hoạch chuyên ngành để đồng bộ với quy hoạch tỉnh vừa ban hành. Tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt, giao thông quan trọng. Tỉnh sẽ tạo thuận lợi hết sức cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại tỉnh.

Lễ trao Quyết định chủ trương đầu tư . Ảnh: TITC

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ trao Quyết định chủ trương đầu tư các dự án cho một số nhà đầu tư.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 17/3/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT