Tin tức - Sự kiện

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu dự Hội thảo phát triển du lịch Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030

Cập nhật: 16/04/2022 09:33:56
Số lần đọc: 474
(TITC) - Sáng ngày 15/4, Sở VHTTDL tỉnh Bình Phước tổ chức Hội thảo phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu tham dự trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tại buổi hội thảo (Ảnh: TITC)

Bình Phước là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có vị trí địa lý chiến lược thuận lợi phát triển thương mại, xuất khẩu và du lịch. Bình Phước hiện sở hữu nhiều tài nguyên du lịch so với các tỉnh trong vùng như: diện tích rộng lớn có nhiều dư địa để kêu gọi đầu tư; có hệ thống rừng nguyên sinh và hệ thống danh lam thắng cảnh dồi dào; có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thuận lợi trong việc định hình các sản phẩm du lịch tự nhiên; là thủ phủ cây điều, cao su của cả nước, phù hợp với xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với hoạt động sản xuất...

Nhận thức được tầm quan trọng về những tiềm năng và lợi thế của tỉnh trong việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã quan tâm hơn đến công tác quản lý và phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực trạng khai thác tài nguyên du lịch, lượt khách du lịch đến Bình Phước và doanh thu từ dịch vụ du lịch trong những năm qua cho thấy du lịch Bình Phước chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng du lịch của tỉnh.

Để phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, đồng thời tăng cường liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng và khu vực, từng bước hướng tới mục tiêu xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Bình Phước, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Đề án, phấn đấu đến năm 2025, du lịch Bình Phước đón khoảng 2 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.200 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Đến năm 2030, đón 4 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 2.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động.

Bình Phước sẽ tập trung nguồn lực xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm du lịch tìm hiểu lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm… Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, xã hội hóa phát triển 5 dự án trọng điểm về du lịch; 2 dự án đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng; 2 dự án sân golf và các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn từ 4 đến 5 sao. Đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, hình thành tour, tuyến, khu, điểm du lịch.

Toàn cảnh buổi hội thảo tại Bình Phước 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, từ ngày 15/3, khi Chính phủ đồng ý với chủ trương mở lại toàn bộ hoạt động du lịch, du lịch Việt Nam đã có sự hồi phục mạnh mẽ. Địa phương nào có sự chuẩn bị tích cực cho việc mở lại hoạt động du lịch sẽ nắm bắt được xu thế và thu hút đông khách du lịch. Phó Tổng cục trưởng mong muốn Bình Phước sẽ tận dụng được các lợi thế để bắt nhịp được xu thế này.

Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, Bình Phước có nhiều tiềm năng về văn hoá, thiên nhiên sinh thái phát triển du lịch. Để Bình Phước trở thành trọng điểm du lịch của vùng Đông Nam Bộ cần phải tích hợp các điểm du lịch nổi bật, quy hoạch phải thiết thực để nằm trong bản đồ du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, phải đổi mới hoàn thiện các chính sách, ưu tiên khuyến khích, nâng cao vai trò của du lịch trong sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đầu tư xây dựng các sản phẩm mang đặc trưng của tỉnh Bình Phước, các sản phẩm gắn liền với đời sống, sinh hoạt văn hóa của người dân. Ngoài đầu tư hạ tầng kỹ thuật cần phải đầu tư hạ tầng giao thông, công trình văn hóa... Đặc biệt, Bình Phước cần tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, xúc tiến, qua đó đưa hình ảnh du lịch Bình Phước đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Bình Phước cũng cần xây dựng phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa. Tất cả sẽ góp phần xây dựng du lịch Bình Phước hiện đại, chất lượng nhưng vẫn giàu bản sắc văn hóa, tạo được thương hiệu du lịch riêng.

Tại hội thảo, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VHTTDL phía Nam Nguyễn Kiều Linh đánh giá, Đề án đã bám sát tình hình thực tế của tỉnh Bình Phước, tuy nhiên các sản phẩm du lịch chưa đặc sắc. Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang làm rất tốt công bác bảo tồn văn hóa, vì vậy việc phát triển du lịch cần gắn với văn hóa, qua đó định vị sản phẩm du lịch độc đáo, tiến tới nhanh chóng hòa nhập chung vào du lịch của cả nước.

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu về Đề án với các nội dung liên quan đến liên kết du lịch, sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, quy hoạch du lịch, tăng sức cạnh tranh du lịch…

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT