Hoạt động của ngành

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Cần hành động quyết liệt để phát triển du lịch thông minh

Cập nhật: 24/10/2020 08:04:35
Số lần đọc: 870
(TITC) - Chiều ngày 23/10/2020, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo quốc tế “Du lịch thông minh: hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế Franconomics lần thứ II-2020 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc dự và phát biểu tại hội thảo.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại hội thảo (Ảnh TITC)

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh du lịch thông minh đã và đang được phát triển ở nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nước thuộc không gian Pháp ngữ, thậm chí có những quốc gia được đánh giá là tiên phong trong xu hướng phát triển mới này như Pháp, Canada, Bỉ, Thụy Sĩ… Tại Việt Nam, không nằm ngoài xu thế trên, ngành du lịch đang tiếp cận nhanh chóng với du lịch thông minh để đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, kích thích tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh, đổi mới, sáng tạo, phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu và là định hướng ưu tiên của du lịch toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã rất chủ động với nhiều chủ trương, chính sách để tận dụng những cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển đất nước nói chung, phát triển du lịch thông minh nói riêng.

Trong thời gian qua, ngành Du lịch đã và đang tích cực chuyển đổi, phát triển du lịch thông minh trên nền tảng số để tạo ra những chuyển biến đột phá. Các địa phương, doanh nghiệp đã tập trung triển khai phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin phục vụ điều hành, quản lý nhà nước về du lịch đến các địa phương, doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ khách du lịch cũng như phục vụ công tác quản lý và xúc tiến, quảng bá du lịch.

Phó Tổng cục trưởng cho biết, trong bối cảnh ngành Du lịch đang tập trung ứng phó và triển khai các biện pháp phục hồi du lịch nhằm đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, Tổng cục Du lịch đã cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” với nhiều tiện ích hỗ trợ kết nối du khách, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý nhà nước trên nền tảng chung, khuyến cáo về điểm đến an toàn, cơ sở cung cấp dịch vụ an toàn và cập nhật các thông tin, hoạt động của ngành Du lịch.

Chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh là quá trình tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay khi dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi quốc gia trên thế giới, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, vì vậy yêu cầu chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh càng trở nên rõ nét.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh TITC)

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc, yêu cầu đối với ngành Du lịch hiện nay là phải hành động quyết liệt để đưa các chủ trương chính sách vào cuộc sống. Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng mong muốn hội thảo sẽ là diễn đàn cùng trao đổi, thảo luận để làm rõ hơn các vấn đề lý luận và thực tiễn, đặc biệt là đề xuất những giải pháp nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển du lịch thông minh hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ trưởng Vụ Trung Đông-châu Phi, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, du lịch là cầu nối giúp phát triển văn hoá, các ngành kinh tế. Bộ Ngoại giao luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của ngành Du lịch đối với phát triển kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh là con đường then chốt và ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là xu thế tất yếu, qua đó góp phần phát triển du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Trong phát biểu dẫn đề hội thảo, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những chủ trương, chính sách cụ thể mạnh mẽ, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển du lịch thông minh, tạo bước đột phá cho ngành du lịch.

Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) (Ảnh TITC)

Ông Lê Tuấn Anh cho biết để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh, ngành du lịch đang tập trung triển khai một số giải pháp gồm có: (1) Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong ngành du lịch về sự cần thiết và xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; (2) Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu số toàn ngành du lịch, bảo đảm có thể cập nhật thông tin theo thời gian thực để luôn trong trạng thái sẵn sàng phục vụ tra cứu, chỉ đạo, điều hành ; (3) Xây dựng và triển khai hiệu quả cơ chế phối hợp, liên kết trên nền tảng số giữa các bên trong ngành du lịch trên cơ sở phát triển mạnh các ứng dụng phần mềm kết nối liên thông, trao đổi thông tin, cập nhật dữ liệu; (4) Xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn về chuyển đổi số và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, huy động nguồn lực để triển khai hiệu quả. Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức, nguồn lực phát triển; (5) Tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tư duy, trình độ đội ngũ nhân lực du lịch về công nghệ thông tin và phát triển du lịch thông minh.

Hội thảo diễn ra với 2 phiên: Phiên 1 “Du lịch thông minh: từ xu thế đến thực tế, cơ hội và thách thức” với các nội dung về: Sự chuyển dịch từ du lịch sang du lịch thông minh tại Việt Nam; Nhu cầu và triển vọng phát triển của du lịch thông minh tại Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; Làm thế nào đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường; Vai trò và ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch thông minh; Những khó khăn, thách thức trong phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam… Phiên 2 có chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho phát triển du lịch thông minh của Việt Nam” với các nội dung: Giới thiệu kinh nghiệm phát triển du lịch thông minh của một số quốc gia Pháp ngữ có công nghiệp du lịch phát triển (Pháp, Maroc, Bỉ…); Du lịch thông minh hội nhập và hướng ra thị trường quốc tế; Phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, trường đào tạo… trong thúc đẩy phát triển du lịch thông minh bền vững và hài hòa tại Việt Nam.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

 

 

Cùng chuyên mục