Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy dự Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh
Đây hoạt động thường niên để tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và đề ra kế hoạch hoạt động cho năm tới; đồng thời cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý du lịch địa phương trao đổi, cung cấp thông tin; lắng nghe, học tập các mô hình phát triển du lịch mới, sáng tạo; góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của 8 tỉnh và TP. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc đã đón trên 22 triệu lượt khách nội địa, liên vùng. Mặc dù việc liên kết giữa các địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 nhưng các địa phương, trong đó có TP. Hồ Chí Minh luôn chủ động kết nối, trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch, kế hoạch đón khách thông qua nhiều hình thức như online, mạng xã hội… Vì vậy, Hội nghị lần này được kỳ vọng tiếp tục gắn kết, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của du lịch Tây Bắc, song song với việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả để chào đón du khách trong thời gian tới.
Theo bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều du khách TP. Hồ Chí Minh đã chọn các điểm đến Tây Bắc để du lịch sau một thời gian dài ở nhà chống dịch. Tuy nhiên, do đi du lịch trong mùa dịch nên các tỉnh, thành phố cần có phương án thống nhất trong điều kiện đón khách của TP. Hồ Chí Minh đến với 8 tỉnh Tây Bắc.
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh
Để sống chung với dịch bệnh, bà Thắng cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành bộ tiêu chí an toàn với dịch bệnh và đã phát huy hiệu quả trong việc xử lý các vấn đề cụ thể trong việc đảm bảo an toàn cho du khách, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú... trong điều kiện thích ứng an toàn. Nhờ bộ tiêu chí này mà TP. Hồ Chí Minh đã có những hoạt động liên kết, trao đổi du khách với nhiều tỉnh, thành phía Nam. Do đó, các tỉnh Tây Bắc có thể tham khảo để đảm bảo việc thống nhất, thuận lợi nhất có thể cho du khách.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho biết, sự chuyển hướng trong quan điểm và chính sách chuyển từ trạng thái “Không Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP đã định hướng, mở đường cho ngành du lịch, đặc biệt các địa phương và doanh nghiệp sẵn sàng cho khôi phục hoạt động du lịch trở lại.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy
Chương trình hợp tác tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh là sáng kiến có tính chiến lược, thể hiện sự chủ động, sáng tạo, tích cực và quyết tâm đẩy mạnh liên kết vùng, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về du lịch của mỗi địa phương, góp phần phục hồi, phát triển du lịch trong tình hình mới.
Trong bối cảnh chịu sự tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, đặc biệt đối với TP. Hồ Chí Minh, năm 2021, với tinh thần liên kết, hợp tác sâu rộng, bình đẳng, hỗ trợ lẫn nhau, Nhóm công tác đã triển khai thành công nhiều hoạt động, với các sự kiện nổi bật như: Ngày hội du lịch TP. Hồ Chí Minh, Tuần lễ văn hoá Tây Bắc tại Hà Nội, Festival tinh hoa Tây Bắc tại Lào Cai... Nhờ đó, các địa phương đã đón được trên 22 triệu lượt khách. Điều này đã khẳng định sự nỗ lực, chủ động và quyết tâm cao của Nhóm công tác.
Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã đồng hành cùng các địa phương, trong đó có các địa phương thuộc Nhóm công tác trong việc xây dựng kế hoạch hợp tác và triển khai các hoạt động để phục hồi và phát triển ngành du lịch, đảm bảo tiêu chí “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo chỉ đạo của Chính phủ.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong bối cảnh bình thường mới, tích cực đưa ngành du lịch phục hồi, phát triển trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy đề nghị ngành du lịch 8 tỉnh Tây Bắc và TP. Hồ Chí Minh triển khai có hiệu quả các giải pháp: (1) xây dựng cơ chế liên kết hiệu quả giữa các thành viên của Nhóm công tác. (2) Tập trung nguồn lực tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá để thu hút, khôi phục lại thị trường sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá, đảm bảo sâu, rộng, đúng đối tượng. (3) Phát huy tiềm năng, điểm độc đáo trong sản phẩm du lịch tại mỗi địa phương; Xây dựng tour-tuyến-điểm du lịch sáng tạo, đặc trưng giữa TP. Hồ Chí Minh kết nối các điểm du lịch tại 8 tỉnh Tây Bắc. (4) Ban hành các chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với đầu tư vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tập trung phát triển kỹ năng nghề du lịch đi liền với tăng cường năng lực, chuyển giao quản lý; nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm. (5) Thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là từ khu vực tư nhân; đẩy mạnh liên kết công-tư, xã hội hóa để huy động nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch.
Trung tâm Thông tin du lịch