Tin tức - Sự kiện

TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong du lịch

Cập nhật: 07/12/2021 09:17:49
Số lần đọc: 928
(TITC) - Trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 17, chiều ngày 5/12/2021, tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch”.  

Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế xanh không nằm ngoài xu hướng phát triển, chuyển đổi số, muốn chuyển mình mạnh mẽ phải ứng dụng công nghệ vào đa dạng hoạt động của mình.

Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, nếu những năm trước đây, câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số lĩnh vực có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh về tiềm lực tài chính, thì hiện nay, chính đại dịch Covid-19 đã buộc tất cả phải lựa chọn chuyển đổi số hoặc bị bỏ lại phía sau. Chính vì vậy, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết những chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong tham luận được trình bày trực tuyến, ông Hoàng Quốc Hòa - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta thông qua việc ban hành các văn bản, nghị quyết, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh là những lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao.

Riêng đối với ngành du lịch, ngày 30/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”.

Ông Hoàng Quốc Hòa - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch)

Thực hiện Đề án, trong thời gian qua, Tổng cục Du lịch triển khai các giải pháp nhằm hình thành hệ sinh thái thông minh trong ngành du lịch, kết nối các chủ thể trong ngành như khách du lịch, nhà cung cấp dịch vụ, điểm đến và cơ quan quản lý, đang tập trung xây dựng những nền tảng số quan trọng như: (1) Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam: gồm các cơ sở dữ liệu thành phần về doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu-điểm du lịch, nhà hàng, điểm mua sắm đạt chuẩn, vui chơi giải trí… có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính cốt lõi, phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách phát triển du lịch; (2) Hệ thống kết nối liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở: về cơ bản đây là trục thông tin về quản lý nhà nước, trong đó tích hợp các dịch vụ công trực tuyến, cơ sở dữ liệu, phần mềm điều hành thông minh, phần mềm chế độ báo cáo tổng hợp theo quy định… nhằm chuyển đổi căn bản hoạt động quản lý du lịch trên môi trường số; (3) Nền tảng số kết nối doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách du lịch: giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong lĩnh vực du lịch có thể gặp gỡ nhau. Đây sẽ là nơi người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin tin cậy về doanh nghiệp và sản phẩm; là nơi doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình đến với đối tác và khách hàng, thực hiện các giao dịch điện tử một cách dễ dàng thuận tiện.

Ông Hòa chia sẻ, để góp phần bảo đảm du lịch an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Tổng cục Du lịch đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng các ứng dụng công nghệ để phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. ng dng Du lch Vit Nam an toàn phục vụ khách du lịch với các tính năng tra cứu thông tin du lịch an toàn, bản đồ số du lịch an toàn, tờ khai y tế; phản ánh tới cơ quan chức năng và nhiều tiện ích khác như Thẻ du lịch thông minh (trong chương trình Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia), vé điện tử, hồ sơ sức khỏe, tìm kiếm sản phẩm dịch vụ mới, tìm hiểu thông tin về cơ sở dịch vụ du lịch, quản lý tour du lịch. ng dng Hưng dn du lch Vit Nam phục vụ cơ quan quản lý và các doanh nghiệp du lịch. Hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên toàn quốc tại website https://safe.tourism.com.vn/. Đây là một điều kiện bắt buộc đối với cơ sở du lịch được đón và phục vụ khách du lịch theo yêu cầu của Bộ VHTTDL. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch đã chủ động xây dựng hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vắc-xin (tại địa chỉ https://travelpass.tourism.vn/) tương thích với tiêu chuẩn Liên minh châu Âu (EU) và cũng đã tích hợp lên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn, nhằm phục vụ yêu cầu đón khách du lịch.

Về công tác truyền thông, ông Hoàng Quốc Hòa cho biết, hiện nay, Tổng cục Du lịch đang tập trung triển khai chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) gắn với bộ nhận diện thương hiệu du lịch quốc gia Vietnam - Timeless Charm để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Cùng với đó là chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch nội địa với thông điệp “Điểm đến an toàn, trải nghiệm hấp dẫn”. Trong đó, các hoạt động truyền thông trên các nền tảng số là có vai trò đặc biệt quan trọng.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn cũng đã chia sẻ về các chuyên đề như: Chuyển đổi số toàn diện hệ thống - quá trình đổi mới và sáng tạo; Giải pháp chuyển đổi số hoạt động kinh doanh du lịch tại TP. Hồ Chí Minh; Ứng dụng công nghệ tại khách sạn trong quản lý trải nghiệm khách hàng…

Các doanh nghiệp đánh giá, sự kiện cho thấy sự nỗ lực của ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh. Đồng thời, hội thảo cũng góp phần mang lại sức sống mới cho các điểm đến du lịch tại TP. Hồ Chí Minh và truyền cảm hứng du lịch đến người dân địa phương, du khách…

Hiện nay, chuyển đổi số không chỉ nhằm gia tăng tiện ích cho du khách và nhà quản lý, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình phục hồi du lịch sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, quảng bá hình ảnh điểm đến Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Các doanh nghiệp cũng cho rằng, chuyển đổi số là một quá trình đòi hỏi sự tích lũy kinh nghiệm, vì vậy cần sự liên kết, phối hợp giữa doanh nghiệp với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi, cập nhật những ứng dụng tiên tiến, tạo thuận lợi cho du khách và chính bản thân doanh nghiệp, qua đó thích ứng linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT