Phố Văn hóa - Nghệ thuật TP Quy Nhơn (Bình Định): Sôi động, thu hút nhiều du khách
Trong đêm thứ nhất (12/6), không khí Phố Văn hóa - Nghệ thuật (VHNT) trên đường Lê Đức Thọ vô cùng nhộn nhịp. Ở phần mở đầu, chương trình hoạt náo đường phố với biểu diễn múa lân, vũ điệu Chămpa, Tây Nguyên, Hawaii, nhảy hiện đại rất sôi động, thu hút khán giả vây kín xung quanh; cả “rừng tay” đưa điện thoại lên chụp hình, quay phim, live stream trên facebook, giúp cho Phố VHNT thêm lan tỏa rộng hơn. Sang đêm thứ hai (13/6), lượng người đến với Phố VHNT còn đông hơn. “Vợ chồng tôi dẫn hai con đi xem từ đầu giờ tối 13/6 và bất ngờ trước không khí sôi động của Phố. Con tôi vui vẻ khi được tham gia các trò chơi dân gian, rồi cả gia đình đi dạo, ngồi chơi bên bờ hồ mát mẻ, hào hứng xem chương trình biểu diễn nghệ thuật đến tận gần 10 giờ đêm mới về”, chị Nguyễn Thị Tuyết Loan (39 tuổi), nhà ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, chia sẻ.
Làm sao để Phố liên tục thu hút công chúng là thử thách lớn với Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, đơn vị được giao trách nhiệm dàn dựng nội dung, tổ chức các hoạt động biểu diễn trên tuyến phố. Trong hai đêm vừa qua, ở Phố VHNT có 4 chương trình nghệ thuật được dàn dựng thành công, thu hút đông người xem.
Chương trình biểu diễn ở Phố VHNT đã quy tụ được nhiều ca sĩ, nhóm nhạc, vũ đoàn cùng nhiệt tình tham gia đóng góp. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, cho biết: “Đêm 12/6, khi chương trình nghệ thuật đang diễn ra, có nhóm nhạc trẻ chủ động liên hệ với ban tổ chức để xin được xem xét cho biểu diễn ở các chương trình sau. Đây là tín hiệu tích cực trong hoạt động của Phố VHNT; tạo sân chơi giao lưu, biểu diễn cho các ca sĩ, nhóm nhạc”.
Phố VHNT cũng tạo thêm cơ hội quảng bá nghệ thuật tuồng, bài chòi Bình Định đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các tiết mục Ai về xứ Nẫu, Vui hội bài chòi, Học chi cái nghệ bài chòi của CLB bài chòi dân gian TP Quy Nhơn cùng sự tham gia của Nghệ nhân nhân dân Minh Đức (huyện Phù Cát), đã thu hút và tạo sự vui vẻ cho người xem. Nghệ thuật tuồng được khán giả đón nhận qua trích đoạn Nhị khí Chu Du, Ông già cõng vợ đi xem hội, do các diễn viên trẻ Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh (thuộc Sở VH&TT) thể hiện.
“Phố VHNT đã giúp các diễn viên trẻ được tiếp cận phục vụ nhiều đối tượng khán giả hơn. Sự tán thưởng của người xem sẽ khuyến khích các cháu tiếp tục nỗ lực tập luyện trong hành trình nghệ thuật truyền thống còn rất dài phía trước...”, NSND Xuân Hợi (Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh) nhìn nhận. Chương trình biểu diễn còn có các tiết mục múa khai thác chất liệu dân gian, như Huyền thoại tháp Đôi, Ngọt tình chợ nón Gò Găng (Vũ đoàn Rạng Đông), Làng biển (biên đạo Hoàng Việt) tạo thêm sự sinh động, hấp dẫn khán giả.
Phố VHNT sẽ tiếp tục được duy trì hoạt động định kỳ vào hai đêm cuối tuần (thứ Sáu và thứ Bảy) trong thời gian tới. “Mỗi đêm có 2 chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và hiện đại, nên mỗi tuần có đến 4 và mỗi tháng có đến 16 chương trình. Chưa bao giờ chúng tôi thực hiện khối lượng chương trình lớn như vậy. Rất may là trong nhiều năm qua, chúng tôi có quan hệ tốt với lực lượng cộng tác viên, đồng thời nỗ lực hết sức mình trong dàn dựng chương trình một cách linh hoạt, huy động được nhiều nghệ nhân, diễn viên, ca sĩ, nhóm nhạc có chất lượng cùng tham gia”, biên đạo Hoàng Việt, phụ trách chương trình biểu diễn tại Phố VHNT của Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, chia sẻ./.