Hoạt động của ngành

Phú Thọ: Phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Cập nhật: 21/06/2019 15:44:03
Số lần đọc: 1530
Du lịch cộng đồng những năm gần đây được tỉnh xác định là điểm nhấn quan trọng giúp quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc vùng Đất Tổ. Loại hình du lịch hấp dẫn này không chỉ góp phần thu hút du khách trong nước và quốc tế mà còn góp phần tạo việc làm, mang lại thu nhập bền vững cho người dân địa phương.

Tham gia Tour du lịch thăm xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, chiêm ngưỡng Đình cổ Hùng Lô - Quần thể di tích thờ Vua Hùng và những vị thành hoàng của làng có niên đại hơn 300 năm tuổi, du khách không chỉ được nghe giới thiệu những điển tích lịch sử về truyền thống, nguồn cội mà còn được chiêm ngưỡng những giá trị nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao đặc trưng thời Hậu Lê trên gỗ, gốm, tập trung tại tòa Đại đình. Ngoài ra, nơi đây cũng lưu giữ được tương đối đầy đủ các đồ thờ tự như đỉnh, đèn, lư hương, hạc... bằng gốm, đồng chạm khắc tinh xảo. Tiêu biểu nhất là năm cỗ kiệu sơn son thếp vàng, hệ thống 43 câu đối ca ngợi cảnh trí quê hương và công đức Vua Hùng... Trong không gian cổ kính của đình làng, làn điệu Hát Xoan - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được thể hiện bởi những người con sinh ra và lớn lên nơi phường xoan gốc Hùng Lô bỗng trở nên hấp dẫn và có sức lôi cuốn lạ kỳ. 



Rời phố thị đến với huyện miền núi Tân Sơn, nơi có Vườn Quốc gia Xuân Sơn, một trong 15 vườn Quốc gia lớn nhất Việt Nam. Nơi đây trở nên nổi tiếng khi có hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng với hơn 365 loài động vật; 726 loài thực vật bậc cao; 16 hang động đá thạch nhũ lung linh, huyền ảo ở giữa lưng chừng núi rừng thẳm xanh là thác Tiên trong lành, mát lạnh, tựa như một dải lụa giữa thiên nhiên hoang sơ, giản dị. Cùng với đó, khi đến với Xuân Sơn, du khách còn có cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu bản sắc văn hóa của đồng bào Mường, Dao thông qua các hoạt động như: Đan lát đồ dùng thủ công, dệt thổ cẩm, thêu, lễ cấp sắc, đâm đuống, múa xòe...; thưởng thức đặc sản lợn lửng, gà chín cựa, thịt chua, lúa nếp thơm vùng lòng chảo Xuân Đài, Kim Thượng, khoai tầng, chuối phấn vàng... thông qua mô hình homestay. Ngoài ra, du khách còn được tham gia nhiều hoạt động như, giao lưu văn nghệ lửa trại với các tiết mục đặc sắc của đồng bào Mường, Dao… 

Hướng phát triển du lịch bền vững bằng cách xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại xã Hùng Lô và sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn... đã đem lại sự đổi thay tích cực đối với nhận thức của cán bộ và người dân về du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng. Phong cảnh làng quê ngày càng trở nên yên bình, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, người dân đã nhận thức được việc phát triển sản xuất gắn với đón khách du lịch đến tham quan và bảo vệ môi trường. Nhiều gia đình đã chủ động cải tạo nhà ở, mua sắm trang thiết bị cần thiết để phục vụ đón khách du lịch tham quan, lưu trú; các công trình được đầu tư xây dựng tái hiện không gian văn hóa của từng dân tộc đã góp phần giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương.

Đất cội nguồn với nhiều di tích, di sản văn hóa Quốc gia, Phú Thọ được đánh giá là “vùng đất vàng” cho phát triển du lịch. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.372 di tích văn hóa, lịch sử và các địa điểm liên quan đến di tích. Ngoài 2 mô hình du lịch cộng đồng đang phát huy được hiệu quả khi thu hút đông du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, trải nghiệm là Vườn Quốc gia Xuân Sơn và Đình cổ Hùng Lô… Sở VHTT&DL đang triển khai nhân rộng mô hình đặc sản bưởi Đoan Hùng và các xã vùng ven Đền Hùng… Nhằm phát huy hiệu quả một tiềm năng lớn về du lịch, phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, tham quan, nghỉ dưỡng...

Tuy nhiên, theo các nhà quản lý và đại diện các công ty du lịch lữ hành, mặc dù là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, song trong những năm qua, ngành Du lịch tỉnh ta vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, vốn có. Nhiều danh lam, thắng cảnh chưa được khơi dậy và khai thác đạt hiệu quả cao như: Vườn Quốc gia Xuân Sơn - huyện Tân Sơn, đầm Ao Châu, ao Giời - suối Tiên (huyện Hạ Hòa)...

Để phát triển du lịch thành ngành công nghiệp không khói và phát huy hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng, cùng với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Lựa chọn, quy hoạch và phát triển các điểm du lịch cộng đồng có đầy đủ các yếu tố về cảnh quan sinh thái, đảm bảo an toàn, an ninh dựa trên các giá trị văn hóa vùng Đất Tổ để đầu tư xây dựng; nâng cấp hạ tầng cơ sở; có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch; đào tạo, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số… tỉnh cũng đã đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách thông thoáng thu hút đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, phát triển khu, điểm du lịch của tỉnh, nhất là du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm, sản vật đặc trưng của từng vùng miền. 

Ông Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định: “Với tiềm năng, lợi thế to lớn cùng những giải pháp đồng bộ, loại hình du lịch cộng đồng đang mang lại hiệu quả cao cho kinh tế hộ gia đình, góp phần quảng bá hình ảnh của những miền quê Đất Tổ gắn liền với những nét văn hóa đặc sắc đến với bạn bè khắp bốn phương. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, môi trường, sự thân thiện mến khách; mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, kỹ năng giao tiếp, phục vụ và giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời, tăng cường các tour, tuyến; hình thành các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền và khôi phục các làn điệu múa, các ngành nghề truyền thống... để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, kéo thời gian lưu trú, sử dụng các dịch vụ tại tỉnh…”./.

Nguồn: baophutho.vn

Cùng chuyên mục