Hoạt động của ngành

Thú vị “Hành trình kết nối từ sông ra biển” ở Trà Vinh

Cập nhật: 24/06/2019 08:54:57
Số lần đọc: 1208
Là một tỉnh của vùng ĐBSCL, nằm cuối nguồn của dòng sông Mekong, Trà Vinh tọa lạc vị trí đắc địa giữa sông Tiền và sông Hậu, tiếp giáp với biển, nơi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sông nước miệt vườn, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng... Du khách đến Trà Vinh có thể trải nghiệm khám phá “Hành trình kết nối từ sông ra biển” với nhiều điều thú vị.

Đến xứ sở những cù lao xanh...

TP. Trà Vinh, nơi nổi tiếng của những con đường rợp mát bóng cây xanh cổ thụ hàng trăm tuổi, ở đó có ao Bà Om danh thắng miền Tây; có nhiều sản vật nổi tiếng như bún nước lèo, bánh canh Bến Có, bánh tét Trà Cuôn, tôm khô Vinh Kim, cốm dẹp Ba So, dừa sáp Cầu Kè… Không chỉ vậy, Trà Vinh nổi tiếng miền sông nước với những cù lao, cồn xanh mát trên dòng sông Hậu và sông Cổ Chiên thơ mộng.

Trà Vinh được thiên nhiên ban tặng sông nước miệt vườn và biển cả, đó là nguồn tài nguyên du lịch vô giá. Nơi đây còn có nhiều cù lao, cồn đang hấp dẫn du khách. Về Trà Vinh trải nghiệm “Hành trình kết nối từ sông ra biển” du khách sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị. Từ trung tâm TP. Trà Vinh, du khách di chuyển khoảng 5km về phía Đông là được khám phá trải nghiệm với cù lao Long Trị (xã Long Đức, TP. Trà Vinh). Cù lao Long Trị được rừng bần, dừa nước bao bọc xung quanh, trông xanh mát. Du khách đến đây sẽ được tham quan và thưởng thức những vườn cây ăn trái như dừa, cam, nhãn…trải nghiệm miệt vườn sông nước và nghe những câu chuyện huyền thoại thời đi mở đất. Đó là săn cá sấu, rái cá cúng giỗ, cùng đua với “ông nược” (cá heo nước ngọt) ngoài sông cái… Du khách có thể trải nghiệm đi câu cá, bơi xuồng dạo mát thả hồn vào thiên nhiên và thưởng thức đặc sản trứ danh như cá tra bần, cá bông lau, cá ngát, cá út, cá lăng… là những sản vật của dòng sông Cổ Chiên ban tặng.

Cách TP.Trà Vinh không xa là cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành) với diện tích hơn 60ha nằm giữa dòng sông Cổ Chiên hiền hòa thơ mộng, chiều chiều có những đàn chim bay lả bay la. Nơi đó, có làng du lịch sinh thái cộng đồng với những nông dân hiếu khách mà mọi người thường gọi là Làng du lịch nông nghiệp Cồn Chim. Du khách được trải nghiệm cùng nông dân làm lúa hữu cơ, xay bột làm bánh xèo và tận tay hái rau vườn để ăn bánh, câu cá, bắt tôm, câu cua…, nghe bà con nông dân kể chuyện miệt cồn. Thú vị hơn là thưởng thức những sản vật miệt cồn như cá thòi lòi nấu cơm mẻ, canh chua bần cá bông lau, tép bạc đất ủ rơm, cua rang me… Tuy mọi thứ đều là “cây nhà lá vườn”  ở xứ cồn Chim nhưng đều có hương vị riêng rất đậm đà và khoái khẩu.

Nói đến xứ sở cù lao Trà Vinh sẽ thiếu sót lớn khi không kể đến cù lao Tân Quy (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè) nằm giữa sông Hậu. Đây là cù lao miệt vườn trái ngon nổi tiếng vùng sông nước miền Tây, như: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, dâu, nhãn…Nhiều hãng du lịch lữ hành giới thiệu cù lao Tân Quy thật hấp dẫn: “Bước lên cù lao, con đường bê tông nhỏ uốn lượn như bao bọc lấy xứ miệt vườn, nằm dưới những tán cây già tỏa bóng mát rượi. Quý khách tham quan vườn trái cây với nhiều chủng loại chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… Đến xứ cù lao Tân Quy, được tham dự một “bữa tiệc” trái cây thịnh soạn ngay giữa khu vườn trái chín mọng. Từng chùm trái cây sum suê, màu sắc tươi óng, căng tròn đong đưa trong gió. Muốn trải nghiệm thì có thể đi xe đạp quanh đường làng, tắm sông, chèo thuyền ngắm sông nước, vườn cây ăn trái nối tiếp nhau hay xuống thuyền phiêu lưu một chuyến săn cá bông lau…”

Sông biển Trà Vinh có biết bao câu chuyện để du khách trải nghiệm khám phá. Xuôi dòng sông Hậu hay dòng Cổ Chiên ra biển, du khách sẽ khám phá nhiều điều thú vị ở xứ sở cù lao, miệt cồn…Đến huyện Cầu Ngang nằm bên bờ sông Cổ Chiên và cửa Cung Hầu sẽ ấn tượng với nhiều câu chuyện như chuyện 100 năm Lễ hội cúng biển Mỹ Long hay lên thuyền ra khơi để tham quan trải nghiệm khám phá cồn Bần, cồn Nghêu… Thật thú vị nơi giáp sông với biển là cồn Nghêu (Mỹ Long, Cầu Ngang). Một bên là nước sông xanh ngát, còn phía bên biển nước đục phù sa. Khi thủy triều lên cồn Nghêu chìm trong nước, nhưng khi nước ròng thì bãi cát nổi lên giữa sông và biển. Người dân đã tận dụng cồn cát này nuôi nghêu và đạt chất lượng, năng suất rất cao, bà con nơi đây ban tặng danh hiệu với tên gọi là “mỏ nghêu”. Du khách về cồn Nghêu cùng ngư dân trải nghiệm bắt nghêu và thưởng thức những “chiến lợi phẩm” của mình sẽ có nhiều cảm giác thú vị khó quên.

Xuôi ra biển là bãi biển Ba Động chạy dài hàng cây số trông rất đẹp. Đây là một những danh thắng nổi tiếng Trà Vinh “Biển Ba Động nước xanh cát trắng. Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây. Xin mời du khách về đây. Dừng chân cho biết chốn này thần tiên.” Du khách về biển Ba Động được tắm nắng gió và biển với những cơn sóng vỗ rì rào. Nơi đây, có nhiều hải sản ngon nhất là món Chù Ụ rang me hay rang muối, món ăn “độc nhất vô nhị” mà du khách nào đến Trà Vinh cũng muốn được ngắm, được ăn…

Đó là chưa kể trên “Hành trình kết nối từ sông ra biển” còn bao nhiêu tài nguyên du lịch khác mà du khách muốn tham quan trải nghiệm như chùa Khmer, Thiền viện Trúc Lâm, rừng ngập mặn biển Ba Động, làng nghề bánh tét Trà Cuôn, tôm khô Vinh Kim, dừa sáp Cầu Kè, cồm dẹp Ba So… những đặc sản ít nơi nào có được. Hay những lễ hội văn hóa độc đáo như Lễ hội Ok-Om-Bok, Lễ hội cúng biển Mỹ Long hay Nguyên tiêu Thắng hội…

Sẽ đầu tư phát triển, hấp dẫn du khách hơn

Mặc dù Trà Vinh có tài nguyên du lịch dồi dào và đa dạng, nhưng theo các chuyên gia du lịch và các hãng lữ hành thì hiện nay du lịch Trà Vinh còn là sản phẩm thô. Trong thời gian qua, du lịch Trà Vinh chủ yếu tập trung khai thác các tài nguyên tự nhiên sẵn có và yếu tố văn hóa, tâm linh để thu hút du khách. Nếu Trà Vinh đầu tư đúng mức, tạo nên những sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng thì du lịch Trà Vinh sẽ hấp dẫn hơn nhiều. Trong một buổi tọa đàm về kết nối du lịch gần đây do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh tổ chức thông tin cho biết, số lượt du khách đến Trà Vinh hàng năm luôn tăng cao trên 20%/năm.

Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đã quy hoạch 5 khu, điểm du lịch, gồm: Khu sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động 368,80ha; Điểm du lịch quốc gia ao Bà Om 84ha; Khu du lịch sinh thái Mỹ Long (gần cồn Nghêu) 20ha; Khu du lịch cù lao Long Trị 50,28ha; Khu du lịch cù lao Tân Quy 48 ha. Đây là khu, điểm du lịch đang được tỉnh Trà Vinh mời gọi đầu tư.  Song song đó, để tạo chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất cho du lịch Trà Vinh, cuối năm 2018, Hội đồng Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết số 70/2018/NQ-HĐND về “Quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018-2020”...

Với những chính sách khuyến khích, môi trường đầu tư thông thoáng, hy vọng nhà đầu tư và các doanh nghiệp lữ hành sẽ đến Trà Vinh để đầu tư, cùng nhau xây dựng sản phẩm độc đáo để du lịch Trà Vinh hấp dẫn du khách hơn. Như ông Trần Minh Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh, nói: “Trà Vinh có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch sinh thái biển, sông nước miệt vườn, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với hoạt động lễ hội tâm linh… Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tình hình phát triển du lịch Trà Vinh có nhiều chuyển biến tích cực; xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch ngày càng phát triển. Để phát triển ngành du lịch tỉnh Trà Vinh tương xứng với tiềm năng và bắt kịp các tỉnh trong vùng, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng nhiều giải pháp với mục tiêu đến năm 2020 đón 1,3 triệu lượt khách; năm 2025 đạt 2,5 triệu lượt khách và 3,6 triệu lượt khách vào năm 2030…”./.

 

Nguồn: baocantho.com.vn

Cùng chuyên mục