Non nước Việt Nam

Phục dựng và tái hiện Lễ cưới truyền thống của đồng bào Giẻ - Triêng

Cập nhật: 20/11/2023 11:03:55
Số lần đọc: 496
Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam vừa qua đã tổ chức chương trình phục dựng và tái hiện Lễ cưới truyền thống của đồng bào Giẻ - Triêng (nhóm Ve) sinh sống trên địa bàn xã Đắc Pre, huyện Nam Giang.

Chương trình phục dựng, tái hiện Lễ cưới nằm trong Kế hoạch số 116 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong năm 2022 - 2023 và Kế hoạch số 118 về việc Phục dựng, tái hiện, bảo tồn "Lễ cưới truyền thống của dân tộc Giẻ - Triêng (nhóm Ve)" tại xã Đắc Pre, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Chương trình phục dựng và tái hiện Lễ cưới truyền thống của đồng bào Giẻ - Triêng (nhóm Ve) sinh sống trên địa bàn xã Đắc Pre, huyện Nam Giang.

Là một trong những tộc người sinh sống và cư trú lâu đời trên dãy Trường Sơn – Tây nguyên, người Giẻ - Triêng đã sáng tạo nên một nền văn hóa vô cùng độc đáo với những phong tục tập quán, lễ hội mang đậm dấu ấn của nền văn hóa nương rẫy. Một trong những phong tục đó là tục cưới xin của người Giẻ-Triêng (nhóm Ve) với nhiều giai đoạn, từ việc tìm hiểu đến hôn lễ.

Những già làng người Ve tại Đắc Pre cho biết: Khi trai gái người Ve cảm mến nhau qua những điệu hát đối đáp thì nhà trai, nhà gái mới bắt đầu gặp mặt để lo cưới hỏi cho đôi lứa. Nhưng trước khi tổ chức nghi lễ cưới chính thì có các nghi lễ phụ khác như: lễ đính hôn, lễ hợp cẩn, lễ trình làng, lễ ra mắt họ hàng...

Nghi lễ cưới chính của đôi trai gái người Ve thường được diễn ra vào tháng 10 và tháng 11 hàng năm, khi mùa màng đã thu hoạch, lương thực thực phẩm đủ đầy, người dân trong làng nhàn rỗi và thời tiết cũng thuận lợi…

Việc tổ chức phục dựng và tái hiện Lễ cưới truyền thống của người Ve (dân tộc Giẻ - Triêng) nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Giẻ-Triêng nói riêng, các dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi Quảng Nam nói chung.

Tham gia tái hiện, phục dựng lễ cưới là những diễn viên quần chúng người Ve (dân tộc Giẻ-Triêng), xã Đắc Pre, huyện Nam Giang. Họ đảm nhận các vai trò như già làng, ông mối, cô dâu, chú rễ, cha mẹ cô dâu, cha mẹ chú rễ, họ hàng nhà trai, họ hàng nhà gái…

Bên dòng suối thơ mộng chảy qua làng, lễ cưới được tái hiện và phục dựng mở đầu bằng nghi thức chuyển củi hứa hôn từ nhà gái sang nhà trai với sự tham gia chuyển củi của cô dâu và họ hàng nhà gái.

Đoàn họ nhà gái trong trang phục truyền thống, đi đầu là ông mai tiếp theo là cô dâu và bà con họ nhà gái với những bó củi trên vai, cuối cùng là mâm lễ cưới gồm thịt heo, gà, cá suối nướng, ché rượu cần, vải thổ cẩm…

Tại nhà trai, các nghi thức trong lễ cưới của người Ve được lần lượt tiến hành theo đúng như truyền thống từ xưa đến nay như lễ chuyển củi – xếp củi, lấy tiết heo vào ống nứa để làm phép, đốt ruột gà, hát đối đáp, cô dâu – chú rể cùng nhau uống rượu…

Sau khi các nghi lễ tại nhà trai đã xong, mọi người tập trung thành vòng tròn trước sân nhà trai, ông mối tiến hành xé nhỏ thịt gà chia cho các thành viên của hai họ. Sau đó mọi người cùng nhau uống rượu cần và tổ chức hoạt động vui chơi, múa hát dân gian.

Ăn uống, giao lưu hát múa xong, hai bên gia đình nhà trai và nhà gái ngồi lại với nhau để đại diện nhà trai là chủ làng, người làm chủ hôn tuyên bố lý do của hôn lễ và chúc cặp tân hôn hạnh phúc, làm ăn phát đạt, sinh con đẻ cái, xây dựng hạnh phúc gia đình. Hoạt động tái hiện, phục dựng lễ cưới kết thúc với màn trình diễn đinh tút và múa hát giữa họ hàng hai bên nhà trai và nhà gái…

Người Giẻ - Triêng đã sáng tạo nên một nền văn hóa vô cùng độc đáo với những phong tục tập quán, lễ hội mang đậm dấu ấn của nền văn hóa nương rẫy.

Việc tổ chức phục dựng và tái hiện Lễ cưới truyền thống của người Ve (dân tộc Giẻ - Triêng) tại xã Đắc Pre nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Giẻ-Triêng nói riêng, các dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi Quảng Nam nói chung, theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; góp phần tuyên truyền, bảo tồn, quảng bá văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một.

Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm và niềm tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; động viên, khuyến khích người dân chung tay bảo vệ, phát huy và lan toả các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Đây cũng là một trong những hoạt động triển khai thực hiện Dự án 6 (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) theo Quyết định số 800/QĐ-UBND ngày 19/4/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2022 – 2025.

Hồng Lâm

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 19/11/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT