Duy trì mạch nguồn văn hóa trong dòng chảy đô thị hiện đại
Việc bảo tồn các lễ hội làng trong phố không chỉ là lời nhắc nhở cộng đồng về nguồn cội, mà còn nhằm duy trì mạch nguồn văn hóa trong sự tiếp biến, thích ứng với sự phát triển chung của đô thị hiện đại.
Lễ rước chung của người dân 13 làng trong Lễ hội Thập tam trại được phục dựng sau gần 70 năm thất truyền. Ảnh: Thủy Nguyên
Sự hồi sinh kỳ diệu
Lễ hội là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT), là sự kết tụ tinh hoa văn hóa và phản ánh phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của một cộng đồng. Thông qua lễ hội, có thể thấy được bản sắc và sự khác biệt của cộng đồng này so với các cộng đồng khác.
Lịch sử Thăng Long - Hà Nội với bề dày nghìn năm văn hiến đã hình thành nhiều lễ hội mang tính chất, đặc điểm khác nhau. Có những lễ hội tưởng nhớ tổ nghề, như Lễ hội đình Kim Ngân (phường Hàng Bạc) tôn vinh ông tổ Bách nghệ và ông tổ nghề kim hoàn, Lễ giỗ tổ nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình), Lễ hội làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông).
Lại có những lễ hội tưởng nhớ các vị Thành hoàng làng là các nhân thần, thiên thần như Lễ hội đền Voi Phục (quận Ba Đình) tưởng nhớ Linh Lang Đại Vương, Lễ hội đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm) tri ân công lao của vị thần Long Đỗ, Lễ hội Đống Đa (quận Đống Đa) tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ...
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã khôi phục và tổ chức nhiều lễ hội làng, lễ hội dân gian như hội làng Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai), hội Bái Ân Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ)... Nhưng “kỳ tích” lớn nhất của Hà Nội trong năm 2023 là đã khôi phục thành công Lễ hội Thập tam trại (quận Ba Đình) và Lễ hội chùa Láng (quận Đống Đa) sau 70 - 80 năm không được tổ chức theo đúng phong tục.
Khu vực Thập tam trại xưa gồm 13 làng trại với 18 di tích; ngày nay, các làng tuy đã “lên” phố nhưng vẫn duy trì các thiết chế làng xã dù không gian bị thu hẹp. 13 làng trại anh em vẫn giữ gìn mối giao hảo kết chạ truyền thống trong suốt 980 năm, kể từ khi người dân theo Đức thánh Hoàng Phúc Trung di cư từ cựu quán Lệ Mật (quận Long Biên ngày nay) sang phía Tây kinh thành Thăng Long xưa để khẩn hoang và lập thành 13 làng trại.
Trước năm 1945, dân Thập tam trại có một lễ hội chung là Lễ hội hàng tổng Vạn Phúc hay Lễ hội Thập tam trại. Vào ngày chính hội, các làng rước Thành hoàng của làng mình về đình hàng tổng để dự lễ tế hội đồng. Tuy nhiên, từ năm 1945 đến nay, lễ hội này không được tổ chức do chiến tranh cùng sự xuống cấp và thu hẹp không gian di tích hàng tổng (đình Vạn Phúc). Năm 2023, sau 78 năm gián đoạn, với sự quyết tâm và thống nhất cao của người dân 13 làng trại cùng UBND quận Ba Đình, Lễ hội hàng tổng đã được phục dựng và tổ chức với quy mô lớn, theo đúng phong tục cũ tại đền Núi Sưa trong Công viên Bách Thảo.
Theo ông Trần Sơn Trà, Phó ban Quản lý di tích đền Núi Sưa, việc phục dựng lại một lễ hội đã thất truyền sau 78 năm gặp rất nhiều khó khăn, như tư liệu lễ hội không còn nhiều, trí nhớ của các cố lão địa phương bị hạn chế do tuổi cao, sự đoàn kết nhất quán của người dân trong Thập tam trại không còn như xưa do biến thiên thời cuộc và biến động về dân cư, không gian tổ chức lễ hội không đáp ứng được yêu cầu của việc phục dựng lễ hội... Thế nhưng, với sự đồng lòng nhất trí của UBND quận Ba Đình và người dân, Lễ hội Thập tam trại được phục dựng thành công. Điều này góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền, những phong tục tập quán của cư dân nông nghiệp thành thị; lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa Thăng Long, giáo dục tinh thần đoàn kết giữa các thành phần cư dân đô thị.
Câu chuyện phục dựng Lễ hội chùa Láng (quận Đống Đa) cũng tương tự như Lễ hội Thập tam trại. Lễ hội chùa Láng vốn là một trong những lễ hội lớn nhất kinh thành Thăng Long, được tổ chức trong 10 ngày với sự tham dự của 9 làng, nhưng Lễ rước thánh thì 10 - 15 năm mới được tổ chức một lần.
Theo các vị cao niên, đám rước được tổ chức theo phong tục cổ truyền diễn ra lần cuối vào năm 1953 với đầy đủ các nghi thức: Lễ dâng hương, lễ tế, lễ rước kiệu Đức thánh Láng lên chùa Hoa Lăng bái yết Tổ mẫu, nghi thức “độ hà” (rước kiệu qua sông) và “đấu thần”. Đến năm 1995, đám rước được khôi phục nhưng chỉ là rước kiệu lên chùa Nền để Đức thánh Láng thăm cha mẹ. Kể từ đó, lễ rước kiệu thánh qua sông không còn được tổ chức. Lễ hội hằng năm chỉ thực hiện các nghi thức truyền thống và lễ tế đơn giản.
Trước nguy cơ mai một hiển hiện, UBND quận Đống Đa cùng với các đơn vị liên quan đã phối hợp với ngành Văn hóa tổ chức sưu tầm tài liệu, tham vấn ý kiến của các nhà nghiên cứu và các vị cao niên từng tham gia lễ hội xưa để hoàn thiện hồ sơ công nhận Lễ hội chùa Láng là DSVHPVT quốc gia (năm 2019), đồng thời, dịp lễ hội chùa Láng năm 2023 (diễn ra từ ngày 25 đến 27-4, tức mùng 6 đến 8 tháng Ba năm Quý Mão), sau 70 năm, nghi thức rước kiệu Đức thánh Láng qua sông Tô Lịch lên chùa Hoa Lăng (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) được phục dựng sát với nghi thức cổ truyền, khẳng định nét độc đáo riêng có của vùng Kẻ Láng xưa.
Lễ rước Đức thánh Láng qua sông Tô Lịch trong lễ hội chùa Láng được khôi phục sau gần 70 năm gián đoạn. Ảnh: Nguyễn Thủy
Tạo “sức đề kháng” cho lễ hội
Việc phục dựng hai lễ hội từng bị thất truyền trong suốt 7 - 8 thập niên cho thấy, việc khôi phục các lễ hội truyền thống bị mai một không phải là không thể, nhưng để làm được thì cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, ngành Văn hóa, các nhà nghiên cứu và người dân.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến niềm tin tâm linh và yếu tố cố kết cộng đồng. Lễ hội đã góp phần củng cố mối liên hệ bền chặt và giúp các cộng đồng xích lại gần nhau. Ở chiều ngược lại, chính sự gắn kết cộng đồng đã góp phần tích cực trong việc khôi phục và bảo tồn lễ hội truyền thống.
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, lễ hội trong khu vực nội thành Hà Nội đang đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là áp lực về việc nhận diện cộng đồng - chủ thể của di sản. Bối cảnh xã hội hiện đại và quá trình đô thị hóa khiến nguy cơ mai một lễ hội càng mạnh mẽ hơn. Sự thay đổi liên tục về thành phần dân cư do quá trình nhập/ chuyển cư khiến mối liên hệ giữa các thành viên trong cộng đồng ngày càng lỏng lẻo. Bên cạnh đó, áp lực của cuộc sống hiện đại cũng khiến giới trẻ ít có điều kiện tham gia lễ hội, khiến việc thực hành lễ hội trong khu vực nội đô gặp khó khăn.
“Để giải quyết các nguy cơ này, Hà Nội nên rà soát, lựa chọn các lễ hội cần được ưu tiên bảo vệ. Muốn bảo vệ lễ hội, cần bắt đầu từ việc giữ gìn các tập quán xã hội của cộng đồng. Phải nhận diện được cộng đồng thực hành lễ hội và xây dựng, củng cố cộng đồng ấy thông qua việc tuyên truyền, giáo dục di sản để cộng đồng nhận thức đúng về di sản và bảo tồn lễ hội truyền thống tốt hơn”, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý bày tỏ quan điểm.
Đưa ra đề xuất về việc nên có đề án bảo vệ và phát huy giá trị dành riêng cho lễ hội trong khu vực nội thành Hà Nội với những cơ chế, chính sách phù hợp, Phó ban Quản lý di tích đền Núi Sưa Trần Sơn Trà đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu sớm tư liệu hóa ký ức của các vị cao niên về phong tục tập quán, nghi thức dân gian đã bị quên lãng, từ đó có thể phục dựng những lễ hội đã hoặc đang có nguy cơ mai một; chọn lọc và đưa thành quy chuẩn để việc tổ chức lễ hội thuận tiện, sát với truyền thống nhất.
Bên cạnh đó, các ban quản lý lễ hội ở khu vực nội thành cũng nên học hỏi kinh nghiệm tổ chức và cách quy tụ nhân dân của ban tổ chức các lễ hội ở khu vực ngoại thành bởi lễ hội phải là của cộng đồng, người dân phải là chủ thể thực hành thì lễ hội mới “sống” được trong không gian đô thị.
Ở góc độ quản lý, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Quản lý DSVHPVT, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, cần tập trung bảo vệ quy trình thực hành và các thành tố cấu thành lễ hội. Với đặc tính của một DSVHPVT, các lễ hội luôn có sự biến đổi để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Vì thế, việc bảo tồn lễ hội trong khu vực nội thành cần linh hoạt và có sự đồng thuận của cộng đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang cũng lưu ý, các cộng đồng cần làm chủ di sản của mình, tránh để xu thế “quan phương hóa”, “sân khấu hóa” làm ảnh hưởng đến những giá trị cốt lõi và bản sắc của lễ hội. Bảo tồn, thích nghi chính là “sức đề kháng” giúp lễ hội phát triển và hòa mình vào dòng chảy của thời đại.
Linh Tâm