Quảng Bình: Cần chung tay trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
Với đặc thù di sản văn hóa phi vật thể gắn với chủ thể là con người, từ quá trình sáng tạo, thực hành đến trao truyền, phát huy di sản không thể thiếu được vai trò của đội ngũ nghệ nhân – là "linh hồn", "báu vật sống" nắm giữ tinh hoa của di sản. Với tài năng, kỹ năng, kỹ thuật và tâm huyết, các nghệ nhân là người trực tiếp tham gia vào việc sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng từ thế hệ này sang thế hệ khác, không chỉ góp phần bảo vệ di sản, mà còn giúp cho di sản sống động, trường tồn trong đời sống đương đại.
Bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Bình trao giấy khen cho các nghệ nhân, các câu lạc bộ văn hóa dân gian tại tỉnh Quảng Bình
Tại tỉnh Quảng Bình, công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung, các di sản văn hóa phi vật thể nói riêng trên địa bàn đã từng bước được triển khai đồng bộ, có hiệu quả từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 2 di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức UNESCO đưa vào danh mục các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có 10 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị khác.
Mới đây, HĐND tỉnh tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, kỳ họp lần thứ 11 đã thông qua Nghị quyết số 58/2023/NQ-HĐND quy định chế độ hỗ trợ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và chế độ đãi ngộ cho vận động viên thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình. |
Nhiều đánh giá của các nhà nghiên cứu cho thấy, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều mang sắc thái độc đáo, thể hiện bản sắc đặc trưng riêng của các địa phương trong tỉnh. Đây chính là tiềm năng to lớn để phát triển văn hóa, đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình. Các di sản văn hóa phi vật thể ở Quảng Bình bước đầu đã được khai thác, phát huy giá trị, trở thành nguồn lực/sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Màn biểu diễn trống hội
Bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Quảng Bình cho hay: Thời gian qua, ngành Văn hóa thể thao đã triển khai đồng bộ các hoạt động, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu để đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa phi vật thể.
"Các câu lạc bộ, các nghệ nhân đã có nhiều nỗ lực cống hiến trong sáng tạo, gìn giữ và phát huy những giá trị độc đáo, quý báu của di sản văn hóa phi vật thể ở Quảng Bình, tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh nhà và để những giá trị văn hóa kết tinh từ ngàn đời trở thành một phần quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam"… bà Thủy mong muốn.
Trên thực tế, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến sức lan tỏa chưa rộng rãi, người dân vẫn không "mặn mà" với việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể dẫn đến hiệu quả chưa cao trong việc trao truyền, sinh hoạt văn hóa dân gian giữa các thế hệ. Một bộ phận giới trẻ không còn mặn mà tha thiết với các giá trị văn hóa truyền thống, có biểu hiện "sùng ngoại", "lai căng", quay lưng lại với những sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc.
Múa bông chèo cạn
Việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản chưa đồng đều giữa các di sản với nhau và giữa các địa phương có chung di sản. Một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể tại một số địa phương đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền như Ca trù, Hát Tuồng bội, Hát sắc bùa, các tri thức dân gian, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn,...
Chính những tồn tại, hạn chế trên đã tác động, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể vô giá của quê hương, của dân tộc đứng trước nguy cơ, thách thức bị mai một, thất truyền, không thể phục hồi lại được…
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy cũng cho hay, với những nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trong thời gian tới, làm cho di sản tiếp tục bám rễ và sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân cần có sự chung tay của cộng đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các câu lạc bộ, nghệ nhân phát huy vai trò của mình trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Các nghệ nhân biểu diễn Tuồng bội Khương Hà (Bố Trạch - Quảng Bình)
Mỗi địa phương phải kiểm kê, nắm chính xác những di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình, từ đó có các biện pháp cụ thể để thực hiện việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Cần có sự đầu tư nguồn lực cho văn hóa, ưu tiên nguồn lực cho vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cho một số loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại cần bảo tồn, phát triển. Sự quan tâm, chung tay của cộng đồng đến các nghệ nhân với các chính sách tốt nhất nhằm hỗ trợ các nghệ nhân truyền dạy cho cộng đồng những di sản văn hóa phi vật thể mà các nghệ nhân đang lưu giữ…
Vĩnh Quý