Độc đáo cách kết hôn “vợ đẹp không bằng củi đẹp” của người Rơ Ngao - Kon Tum
Khi biết yêu, những cô gái Rơ Ngao băng đèo, lội suối gùi cả trăm bó củi như thế này trên vai.
Từ trước khi bước vào độ tuổi cập kê, những cô gái Rơ Ngao sinh sống tại tỉnh Kon Tum đã được cha mẹ trong nhà thúc giục phải bắt đầu đi kiếm củi để làm của hồi môn biếu tặng gia đình nhà chồng vào ngày cưới của mình. Những cây dẻ được các cô gái phân ra thành từng đoạn, có chiều dài khoảng 70 cm, thanh củi phải thẳng, chắc, tất cả vỏ ngoài được lột sạch sẽ, đầu của mỗi thanh củi phải được chặt bằng hoặc nhọn, lóng nào to quá thì phải chẻ ra để cho các thanh củi to bằng nhau.
Bó củi càng to, càng đẹp, sẽ được gia đình nhà chồng chú trọng, đánh giá cao. Cho nên cứ sau mỗi giờ học, lao động, các cô lại đi kiếm củi. Củi cây dẻ kiếm về được xếp gọn ghẽ vào trong một góc nhà. Tại đây, các cô sẽ che chắn kỹ càng, để tránh củi bị mục, hỏng, mốc nặng nề, giảm hình tượng của mình trong mắt họ hàng bên chồng. Khi đến nhà những người Rơ Ngao có con gái đang độ mười ba, mười bốn tuổi trở lên, không khó nhận ra những đống củi khô đều tăm tắp được gia đình để gọn ở một chỗ.
Có những cô gái mất từ năm đến bảy năm để tích lũy được những bó củi đẹp, chờ đến khi lấy chồng. Thậm chí, công việc kiếm củi này được các thành viên trong gia đình trợ giúp, ví như bố mẹ đi làm ruộng, làm vườn thấy cây củi dẻ nào đẹp thì cất gọn, mang về cho con cái. Tuy nhiên, theo quan niệm của cộng đồng người Rơ Ngao, các cô gái phải tự kiếm củi để thể hiện phẩm chất của mình.
Những đống củi khô đều tăm tắp được gia đình để gọn ở một chỗ
Vì đối với người Rơ Ngao, hôn nhân là một dấu mốc trọng đại trong cuộc đời con người, không chỉ đánh dấu tình yêu đôi lứa hạnh phúc, mà còn là ngày họ trưởng thành, tự xây dựng mái ấm riêng cho bản thân mình. Cho nên, các cô gái, chàng trai phải chứng minh mình có năng lực tự lập, cùng các phẩm chất cần thiết như; siêng năng, cần cù. Chính vì vậy, người Rơ Ngao đã cho con gái chuẩn bị từ rất sớm. Người dân thường bảo rằng, chỉ cần nhìn thấy thiếu nữ Rơ Ngao đi tìm củi cây dẻ về để ở đầu hồi, sau bếp thì đó là thông điệp nói rằng trái tim cô gái “đã mở” để “dẫn lối” cho các chàng trai tìm đến.
Khi cô gái đi lấy chồng, trước ngày cưới một ngày, số củi các cô dành vài năm để tích lũy sẽ được người trong gia đình bó gọn lại, rồi chuyển đến cho gia đình nhà các chàng trai. Người mẹ chồng sẽ đứng ra, xem xét chất lượng của bó củi mà nhà gái đã chuyển đến. Hoàn hảo nhất, là những cây củi với chiều dài đều nhau, được vót nhọn các đầu, bó củi không bị bị mốc, hỏng nhiều. Đối với những người mẹ chồng, điều đó thể hiện sự tỉ mỉ, chăm chút của cô cho cuộc hôn nhân của mình trong tương lai.
Một trong những lý do người Rơ Ngao chọn củi cây dẻ có lẽ vì đây là loại gỗ săn chắc cháy đượm, than của nó luôn giữ ấm, đặc biệt củi dẻ thẳng và suôn nên thích hợp với việc nấu nướng, sưởi ấm. Củi hứa hôn, được gia đình nhà chồng đánh giá phẩm chất, đức hạnh của những cô gái. Đầu vót nhọn của cây củi dẻ chứng tỏ sự chung thủy của cô đối với người chồng của mình.
Bó củi càng đẹp, càng nhiều, chứng tỏ cô gái có phẩm chất tốt để trở thành vợ hiền, đảm đang trong tương lai. Theo quan niệm của người Rơ Ngao, củi nhiều, đều chứng tỏ cô gái là người khỏe mạnh, đảm đang, tháo vát, chịu thương, chịu khó. Ngược lại, nếu như củi mỏng, ít, lại lộn xộn, đây là cô gái vụng về, yếu đuối, nhà chồng phải rất vất vả bảo ban người con dâu như vậy. Chính vì nguyên do ấy, có nhiều cô gái được cả nhà chồng và người con trai ưng thuận, nhưng vì bó củi không đẹp mà bị từ hôn.
Ngày nay, phong tục này vẫn được cộng đồng người Rơ Ngao gìn giữ và tiếp tục phát triển, tuy nhiên, đã có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với lối sống hiện đại. Các bó củi giờ đây mang ý nghĩa tượng trưng, cha mẹ, anh chị em và họ hàng có thể giúp cô gái kiếm củi để hoàn thành sính lễ hồi môn. Bên gia đình nhà chồng cũng không khắt khe như trước, chỉ cần một cô con dâu hiếu thảo, yêu con trai họ là đã được bố mẹ chồng chấp thuận rồi.
Bài, ảnh: Diệp An