Quản lý di tích lịch sử - văn hóa tại Nam Định: Còn nhiều trăn trở
Lãnh đạo Sở VH, TT và DL và một số cơ quan chuyên môn kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ di sản tại di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định).
Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ di tích nói chung, các di tích được Nhà nước xếp hạng và đối tượng kiểm kê nói riêng ở tỉnh ta luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành VH, TT và DL tỉnh quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh; phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Thực hiện Luật Di sản văn hóa, ngày 7-7-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND về “Quy định phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Theo đó, Sở VH, TT và DL là cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh quản lý Nhà nước các di tích trên địa bàn tỉnh; UBND cấp huyện, thành phố quản lý các di tích trên địa bàn huyện, thành phố và trực tiếp quản lý di tích quốc gia đặc biệt, quần thể di tích; UBND cấp xã trực tiếp quản lý các di tích ở địa phương bao gồm di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và đối tượng kiểm kê; các di tích thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân thì UBND cấp xã giao cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo quy định của pháp luật. Đối với mỗi di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng, chính quyền địa phương cấp xã thành lập Ban quản lý di tích, số lượng từ 8-12 người. Thành phần gồm đại diện chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể quần chúng và chủ sở hữu di tích. Thực tế, với số lượng 384 di tích được Nhà nước xếp hạng, toàn tỉnh hiện có hàng nghìn người là thành viên Ban quản lý các di tích; qua đó, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong việc huy động các nguồn lực xã hội, đóng góp kinh phí trùng tu, tôn tạo, bảo vệ các di tích.
Từ khi Luật Di sản văn hóa được ban hành; đặc biệt là Thông tư số 09/TT-BVHTTDL ngày 14-7-2011 của Bộ VH, TT và DL quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh có hiệu lực thì công tác nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng có nhiều chuyển biến. Trên cơ sở đề nghị của chính quyền địa phương, Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh (nay là Bảo tàng tỉnh) đã phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố thành lập Đoàn khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ di tích trình Hội đồng khoa học xem xét, trình UBND tỉnh công nhận. Việc lập hồ sơ di tích được thực hiện bài bản, chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý và khoa học theo quy định pháp luật. Giai đoạn 2010-2020, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có từ 1-2 di tích được Bộ VH, TT và DL xếp hạng cấp quốc gia, từ 10-20 di tích được UBND tỉnh xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích sau khi được xếp hạng đều được các địa phương tổ chức thực hiện công tác quản lý bảo vệ theo quy định; phát huy vai trò giá trị di sản trong đời sống tinh thần thông qua các sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với lễ hội truyền thống ở mỗi địa phương. Công tác kiểm kê di tích cũng được ngành VH, TT và DL tỉnh đẩy mạnh nhằm quản lý chặt chẽ hệ thống di tích, tránh tình trạng di tích bị bỏ quên và xuống cấp. Đến nay, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành 4 đợt tổng kiểm kê di tích vào các năm 1962, 1978, 1995, 2010. Trên cơ sở số liệu kiểm kê, Sở VH, TT và DL đã tổng hợp, phân loại các loại hình di tích. Hiện toàn tỉnh có 423 đình, 619 đền, 776 chùa, 134 phủ, 54 miếu, 432 từ đường, nhà thờ dòng họ, 28 đàn, điện, 241 nhà thờ công giáo, tin lành, 13 lăng mộ, 11 nhà lưu niệm, 6 địa điểm lịch sử và 14 di tích thuộc loại hình khác. Hệ thống các di tích này đã và đang được các cấp chính quyền và người dân các địa phương chung tay bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa.
Trên cơ sở kết quả công tác kiểm kê, nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích, công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích được quan tâm thực hiện hiệu quả. Hàng năm, Sở VH, TT và DL đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá thực trạng hệ thống di tích; từ đó bố trí nguồn kinh phí để tu bổ chống xuống cấp từ 3-5 di tích/năm. Thông qua Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa của Bộ VH, TT và DL, hàng năm, nhiều dự án tu bổ di tích với kinh phí hàng chục tỷ đồng được thực hiện, đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. 5 năm qua, nhiều di tích, hạng mục công trình liên quan đến di tích, khu, quần thể di tích trên địa bàn tỉnh được xây dựng, trùng tu, bảo vệ bằng các nguồn kinh phí. Tiêu biểu như: Dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (khởi công tháng 1-2019) có tổng mức đầu tư hơn 734 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương (Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa) và ngân sách địa phương; Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực Phủ Dầy (tỷ lệ 1/2.000), thời hạn quy hoạch từ năm 2018 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Dự án cải tạo, nâng cấp một số hạng mục Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (khởi công từ tháng 2-2019) có tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác…
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích
Nhờ có hệ thống quy định pháp lý về di sản văn hóa tương đối đầy đủ nên công tác quản lý, bảo vệ các di tích xếp hạng và đối tượng kiểm kê ở tỉnh ta đã đạt được nhiều thành tựu; tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: Tình trạng thương mại hóa di tích vẫn diễn ra; thực trạng đưa linh vật ngoại lai vào không gian thờ tự vẫn còn phổ biến; việc bài trí, bổ sung, tiếp nhận đồ thờ tự vẫn diễn ra tràn lan; nhiều di vật, cổ vật chưa được bảo quản đúng cách, nghiêm ngặt dẫn đến tình trạng bị hư hỏng, mất cắp; đặc biệt là quá trình tu bổ, cải tạo làm mới di tích còn tự phát, chưa thống nhất và chưa xin phép các cấp có thẩm quyền dẫn đến công trình bị méo mó, biến dạng, làm mất đi vẻ đẹp kiến trúc gốc… Trong đó điển hình là vụ việc trùng tu cầu Ngói chợ Thượng ở xã Bình Minh (Nam Trực). Mặc dù đã được phát hiện sai sót, khắc phục sửa chữa nhưng có những giá trị bị mất không thể sửa chữa.
Để công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng và các di tích nằm trong danh mục kiểm kê đi vào nền nếp, thời gian tới, Sở VH, TT và DL tiếp tục chỉ đạo các phòng quản lý Nhà nước về di sản, đơn vị sự nghiệp trực thuộc chuyên môn xây dựng kế hoạch, phối hợp với các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, quản lý, bảo vệ di tích đảm bảo thường xuyên, liên tục; kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những biểu hiện sai phạm, hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng và khai thác giá trị di tích. Đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản, phổ biến pháp luật về di sản thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm giới thiệu về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống di tích, di sản trên địa bàn, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích khoa học, khách quan, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ về di tích của tỉnh. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, vai trò của các tổ chức, cá nhân về vị trí, giá trị của di sản trong đời sống văn hóa xã hội. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa, quản lý di sản. Đẩy mạnh xã hội hóa bảo tồn, phát huy giá trị di tích theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản như: các loại hình văn hóa, trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống gắn với lễ hội tại các di tích. Hình thành điểm du lịch văn hóa tâm linh phục vụ du khách trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng