Quảng bá tinh hoa nghề thủ công da-giầy Hà Nội
Các chuyên gia và nghệ nhân trao đổi về nghề.
Sự kiện do UBND phường Hàng Trống phối hợp Hội Da-giầy thành phố Hà Nội, Viện nghiên cứu Da-giầy, Trung tâm nghiên cứu phát triển làng nghề Da-giầy Việt Nam tổ chức nhằm hướng tới Kỷ niệm 25 năm Thủ đô đón nhận danh hiệu “Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình”.
Nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa diễn ra trong khuôn khổ sự kiện. Các nghệ nhân tham gia biểu diễn thao tác làm sản phẩm thủ công từ da; đồng thời hướng dẫn, giao lưu, chia sẻ những câu chuyện về thăng trầm của nghề da-giầy. Khách tham quan trong nước và ngoài nước có cơ hội tham gia trải nghiệm, làm các sản phẩm thủ công theo hướng dẫn từ nghệ nhân và được tặng nhiều món quà ý nghĩa.
Các nghệ nhân chia sẻ, Tổ nghề da-giầy được tôn thờ là Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung và ba vị khác, gồm: Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính là Nguyễn Sĩ Bân. Nguyễn Thời Trung đỗ Tiến sĩ khoa thi Ất Sửu, niên hiệu Thuần phúc nguyên niên, thời Lê-Mạc (năm1565), làm quan cho triều Mạc đến chức Thừa chánh sứ. Ông dẫn đầu đoàn sứ bộ nước ta sang Trung Quốc để hòa đàm. Khi dừng chân ở phố Hàng Châu, do ấn tượng với giá trị đặc biệt, tinh xảo trong nghề đóng giầy nên hoàn thành công việc sứ bộ, Nguyễn Thời Trung cùng ba người bạn quay lại đó học nghề.
Trải qua nhiều gian nan vất vả, các ông đã học thuộc nghề, nắm vững các bí quyết về thuộc da, đóng giày, khi về nước đã truyền nghề ở quê hương Trúc Lâm. Từ đó nghề thuộc da, đóng giầy ngày càng phát triển thịnh đạt. Bốn ông được triều đình ban phong chức quan Thượng y ở Quốc Tử Giám. Đến thời nhà Nguyễn, vua Khải Định đã công nhận và phong cho các ngài là Dực Bảo Trung Hưng Tôn thần. Sắc phong có nền vàng, chữ đen, ấn đỏ, hiện còn được giữ nguyên vẹn tại đình.
Vào thế kỷ thứ 17, các thợ giầy ở Hải Dương đã mang kỹ thuật Da-giầy lên hành nghề tại Kinh thành Thăng Long rồi cư trú chủ yếu ở các phố: Hàng Hành, Hàng Giầy… và cuối thế kỷ 19, họ cùng nhau xây dựng đình Phả Trúc Lâm để phụng thờ Tổ nghề da-giầy. Nội dung văn bia còn lưu giữ ở đình đã cho biết, ban đầu, ngôi đình đầu tiên được dựng bằng tre nứa đơn giản, sau đó được tu bổ và nâng cấp thêm vào đầu thế kỷ 20.
Đình có kiến trúc khiêm tốn, quy mô vừa phải, trải qua năm tháng và ảnh hưởng của chiến tranh vẫn giữ được phong cách của kiến trúc truyền thống.Năm 1995, đình đã được Bộ Văn hóa-Thông tin ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Một góc trưng bày sản phẩm thủ công nghề da-giầy.
Không chỉ thu hút sự quan tâm của những giới làm nghề, di lịch càng trở nên nhộn nhịp, thu hút khách tham quan vào dịp tháng 2 và tháng 8 âm lịch là ngày giỗ Tổ. Với vị trí gần Hồ Hoàn Kiếm, di tích đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp của khung cảnh văn hóa của phố cổ Hà Nội.
Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, việc gìn giữ và phát huy giá trị của di tích lịch sử thờ phụng các vị anh hùng có công giữ nước cũng như các vị tổ nghề đã mang lại nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử, trở thành truyền thống tốt đẹp trong nhân dân.
Mai Lữ