Hoạt động của ngành

Quảng Hòa (Cao Bằng) bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa

Cập nhật: 07/10/2020 09:12:08
Số lần đọc: 1993
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Quảng Hòa đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cùng với các danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa ở huyện là điểm dừng chân trong tour, tuyến du lịch cho du khách trong và ngoài tỉnh.


Lễ hội Pháo hoa thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa).

Huyện Quảng Hòa đề ra những giải pháp tích cực giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Ngành chức năng quán triệt đầy đủ các nội dung quy định, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giữ gìn, bảo tồn các giá trị di tích lịch sử - văn hóa bằng các hình thức đa dạng, phù hợp; chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và hành động của mỗi người về giữ gìn, bảo vệ các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc; giữ vững và tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, đạo lý tốt đẹp của dân tộc tại địa phương.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quảng Hòa Đàm Thị Chiến cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 8 di tích văn hóa cấp tỉnh, 1 di tích cấp quốc gia, 2 danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, 1 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Từ năm 2015 đến nay, nhiều di tích lịch sử được đầu tư, nâng cấp nhằm giữ gìn các giá trị kiến trúc văn hóa truyền thống.

Tiêu biểu như các di tích Đền thờ Nùng Trí Cao, thị trấn Quảng Uyên; miếu Quan Đế, xã Ngọc Động; xây dựng Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn tại xóm Bản Buống, xã Bế Văn Đàn từ nguồn kinh phí xã hội hóa trên 10 tỷ đồng - công trình văn hóa có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào về tấm gương sáng ngời của Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn.

Các di tích, danh thắng được tôn tạo, sửa chữa trên cơ sở bảo tồn tính nguyên vẹn, giữ gìn tối đa các giá trị lịch sử văn hóa của các điểm di tích. Công tác quản lý, bảo vệ, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích được thực hiện thường xuyên, đảm bảo đón khách đến tham quan, du lịch.

Để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với các xã, thị trấn, Bảo tàng tỉnh kiểm kê di sản phi vật thể 2 lần với 7 loại hình di sản. Hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp bảo tồn giá trị văn hóa thông qua các hoạt động lễ hội, duy trì tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, lày cỏ, tung còn, múa rồng, múa lân...; thực hiện các nghi thức đặc trưng từng lễ hội: cầu mùa, đón rước Nàng Hai…

Khuyến khích nhân dân mặc trang phục dân tộc, biểu diễn các tiết mục hát dân ca giao duyên, trình diễn trang phục dân tộc, thi làm các món ăn truyền thống..., qua đó tuyên truyền, quảng bá về du lịch, thu hút khách thập phương. Các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động các nghệ nhân, người có năng khiếu yêu thích dân ca tham gia Chi hội Bảo tồn dân ca huyện.

Hiện toàn huyện có 22 hội viên làm nòng cốt trong việc trình diễn, truyền dạy các làn điệu dân ca cho thế hệ sau. Tiêu biểu như Câu lạc bộ dân ca thị trấn Quảng Uyên thường xuyên biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị của địa phương, các đoàn khách du lịch, truyền dạy cho 20 học sinh biết hát then, đàn tính.

Cùng với đó, các loại hình di sản văn hóa khác như: trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà sàn truyền thống, nghề thủ công, ngôn ngữ dân tộc… được nhân dân các địa phương có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc của dân tộc mình. Đến nay, huyện có 3 nghệ nhân được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian và lễ hội truyền thống.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục