Quảng Nam ban hành Quy chế quản lý và tổ chức lễ hội
Theo đó, đối tượng áp dụng quy chế là cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc tỉnh Quảng Nam có liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội; tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển vùng đất, con người Quảng Nam; tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của lễ hội. Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa. Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
Tổ chức lễ hội còn dựa trên nguyên tắc giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; không chạy theo lợi ích vật chất và các lợi ích cá nhân. Phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh thắng; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và các biện pháp phòng chống dịch bệnh (nếu có) theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền. Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm, các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc trá hình, phổ biến và kinh doanh các sản phẩm văn hóa đã quyết định đình chỉ lưu hành, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy; không ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Lễ hội cấp tỉnh được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 2 năm trở lên phải đăng ký với UBND tỉnh (thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trước khi tổ chức. Lễ hội phải đăng ký với UBND cấp huyện trước khi tổ chức gồm: lễ hội cấp huyện được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn 2 năm trở lên; lễ hội cấp xã được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn 2 năm trở lên; lễ hội truyền thống cấp huyện, cấp xã được tổ chức hàng năm nhưng có thay đổi về cách thức tổ chức, nội dung, địa điểm so với truyền thống.
Bên cạnh đó, Quy chế còn hướng dẫn hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội; trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với lễ hội quy mô cấp tỉnh, cấp huyện; thông báo tổ chức lễ hội; nội dung văn bản thông báo tổ chức lễ hội; trình tự tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; tạm ngừng tổ chức lễ hội; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban Tổ chức lễ hội; quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội…./.
Nhâm Hiền