Quảng Nam: Đánh thức du lịch miền núi phía Tây
Với nét văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, khí hậu mát mẻ, nhiều danh lam thắng cảnh và độ che phủ rừng cao… thế nhưng nhiều năm qua du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam vẫn chưa được đầu tư, khai thác xứng tầm. Làm gì để đánh thức du lịch miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam?
Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 110 km với hơn 3 giờ đi đường, huyện miền núi cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam là điểm đến hấp dẫn du khách. Những cánh rừng di sản Pơ mu, Đỗ quyên, rừng Lim cùng văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu tạo nên sức hút, kéo du khách tìm về Tây Giang. Sau khi mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đã đến với huyện vùng cao này để trải nghiệm du lịch xanh.
Hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đã đến với huyện vùng cao Tây Giang trải nghiệm du lịch xanh.
Nhiều người cho rằng: "Đón bình minh và săn mây trên Đỉnh quế Tây Giang thì phải nói là như Sapa giữa lòng miền Trung”, "Không thể tưởng tượng nổi ở Việt Nam mình lại còn một cánh rừng nguyên sinh đẹp vô cùng thế này", "Còn khá hoang sơ vì chưa được đầu tư hạ tầng nhiều, trong tương lai thì tôi nghĩ đây sẽ là điểm du lịch ấn tượng của khu vực miền Trung".
Tài nguyên rừng và văn hóa bản địa được người Cơ Tu huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam tự hào xem như “kho báu giữa đại ngàn”. Theo Tiến sỹ Vũ Ngọc Long, Nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, huyện Tây Giang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng dựa vào những cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại trên dãy Trường Sơn, cùng với đó là văn hóa làng với tính cộng đồng rất rõ nét của đồng bào Cơ Tu.
Rừng cây di sản Pơ mu tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam còn lưu giữ hàng nghìn gốc Pơ mu.
Ông Vũ Ngọc Long cho rằng, nếu được đầu tư, khai thác và bảo tồn đúng hướng, nơi đây sẽ hình thành những điểm du lịch đặc sắc ở khu vực Trung Trường Sơn: “Ý tưởng thành lập những rừng cây di sản để mở đường phát triển thành khu du lịch dựa vào cộng đồng, trở thành nơi thu hút sự quan tâm của bạn bè khắp nơi. Chúng ta cũng cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng cho nơi này để phát triển khu di sản Pơ mu này thành nơi học tập và nhân rộng về rừng nhiệt đới và những giá trị bảo tồn của thiên nhiên”.
Trong định hướng phát triển kinh tế ở khu vực miền núi, tỉnh Quảng Nam tập trung vào 3 mũi nhọn là trồng rừng gỗ lớn, trồng dược liệu dưới tán rừng và phát triển du lịch. Tuy nhiên, du lịch tại huyện vùng cao Tây Giang chưa được đầu tư đáng kể, người dân bản địa chưa thể hưởng lợi từ các loại hình du lịch nhỏ lẻ. Mới đây, tại huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, dự án du lịch có quy mô lớn nhất được đầu tư tại miền núi Quảng Nam đưa vào hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho rằng, đây là cơ hội để thu hút du khách về với vùng miền núi Quảng Nam: “Động lực đầu tiên chúng tôi mong muốn là hệ thống giao thông kết nối vì hiện nay đường xá đi lại rất khó khăn. Cùng với sự ra đời của Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang nếu hệ thống giao thông kết nối lên huyên Tây Giang thì tôi hi vọng rằng những tiềm năng du lịch của huyện Tây Giang sẽ sớm được đánh thức và phát triển trong tương lai rất gần”.
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ thói quen và xu hướng tham quan, trải nghiệm của du khách, vừa là thách thức vừa là cơ hội để ngành du lịch làm mới sản phẩm. Từ chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2022 vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã giới thiệu hàng loạt sản phẩm du lịch xanh gắn với bảo tồn văn hóa bản địa khu vực miền núi phía Tây.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho rằng, việc mở rộng không gian du lịch lên khu vực miền núi, khai thác các sản phẩm du lịch xanh, du lịch cộng đồng là xu hướng tất yếu, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Quảng Nam.
“Cần tránh sự trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương với nhau. Trong khi cộng đồng còn rất hạn chế về mặt năng lực, đặc biệt là về tài chính và kỹ năng thì mình có chính sách gì để hỗ trợ cộng đồng để khai thác tốt nhất tiềm năng du lịch vùng nông thôn? Quảng Nam chưa có chính sách cụ thể, cần phải suy ngẫm và có sự thay đổi” - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Trung Lương chia sẻ.
Văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu luôn có sức hút đối với du khách.
Trong định hướng phát triển du lịch, tỉnh Quảng Nam chú trọng khu vực miền núi phía Tây, tập trung kêu gọi các nhà đầu tư lớn đến hợp tác làm ăn. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, phát triển du lịch, thu hút đầu tư vào miền núi sẽ đặt ra không ít thách thức trong công tác bảo vệ rừng. Tỉnh sẽ kiên định quan điểm: Không tách rời việc bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng, bảo tồn văn hóa bản địa trong quá trình đầu tư và phát triển du lịch.
“Các dự án đầu tư vào khu vực miền núi, nhất là đầu tư phát triển về du lịch thì đều được thẩm định và đánh giá rất kỹ về những tác động đối với môi trường xung quanh, đặt biệt là đụng vào hệ sinh thái rừng. Không vì mục tiêu phát triển kinh tế mà tác động xấu đến môi trường rừng. Vừa thu hút các nhà đầu tư lớn có tâm và có tầm, đặc biệt họ cùng chung tư duy về khai thác các giá trị về sinh thái, văn hóa, lịch sử. Công việc này đòi hỏi sự kiên trì, tầm nhìn và sự tâm huyết, trách nhiệm rất lớn"./.
Long Phi