Thúc đẩy kinh tế đêm tỏa sáng
Đầu năm 2022, hoạt động du lịch ở thành phố Đà Nẵng sôi động trở lại. Nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ mới thu hút nhiều du khách. Bãi biển đêm Mỹ An khớp nối với Khu phố du lịch An Thượng, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn tạo thành khu liên hợp dịch vụ cho du khách trải nghiệm khi đến Đà Nẵng. UBND thành phố đã ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng trong giai đoạn 2021-2025. Thành phố Đà Nẵng thí điểm chương trình Đà Nẵng về đêm - Danang By Night. Du lịch đêm tại Đà Nẵng phát triển theo các nhóm chính gồm: các hoạt động, dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm, tham quan, tour du lịch đêm.
Các sân golf, khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài, show diễn nghệ thuật; các khu phố đêm, phố đi bộ, chợ đêm; quán bar, vũ trường, tụ điểm ca nhạc, nhà hàng; cơ sở chăm sóc sức khoẻ, trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24. Các tour du lịch đường thủy nội địa thưởng ngoạn sông Hàn ban đêm, đi bộ ngắm cảnh hai bên bờ sông Hàn, bờ biển Đà Nẵng dần hình thành. Các điểm nhấn kiến trúc như: Cầu Rồng, Cầu Nguyễn Văn Trỗi, SunWheel, Cầu Tình yêu, công viên APEC được đưa vào phục vụ khách tham quan check-in buổi tối.
Bãi biển đêm Mỹ An kết hợp phố du lịch An Thượng thu hút du khách đến với Đà Nẵng
Ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Vietravel Mart, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, nhiều sự kiện văn hóa, âm nhạc, lễ hội đường phố… ở thành phố Đà Nẵng hiện nay từng bước tạo ấn tượng tốt đối với du khách.
“Đà Nẵng bây giờ là điểm đến không mới đối với du khách trong nước thì chúng ta phải có sản phẩm mới. Các sản phẩm về đêm được coi là lối ra cho các sản phẩm mới ở Đà Nẵng trong những năm tiếp theo”, ông Cao Trí Dũng nói.
Bãi biển Mỹ An, thành phố Đà Nẵng đang là điểm hấp dẫn du khách về đêm
Song song với việc duy trì các hoạt động kinh tế đêm, thành phố Đà Nẵng chú trọng nâng cấp, bổ sung nhiều dịch vụ mới cả ban ngày lẫn ban đêm tại các khu, điểm du lịch. UBND thành phố Đà Nẵng tập trung nguồn lực đầu tư xây hạ tầng, hỗ trợ du lịch gắn với phát triển kinh tế ban đêm. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, địa phương xác định kinh tế ban đêm là mũi nhọn chiến lược đưa du lịch Đà Nẵng bứt phá và hướng tới phát triển bền vững.
“Chúng tôi cũng nhận thức rằng, việc phát triển kinh tế ban đêm trong hoạt động du lịch góp phần quan trọng kích thích chi tiêu, tăng ngày lưu trú, giải quyết việc làm cũng như đem lại hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp phục vụ du lịch cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn”, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho hay.
Nhiều hoạt động tại bãi biển đêm Mỹ An thu hút du khách
Việt Nam là một điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới. PGS. TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam nhận định, kinh tế đêm là vấn đề của toàn cầu. Và Đà Nẵng là nơi tốt nhất để khởi động cho phương thức hoạt động kinh tế đêm của du lịch Việt Nam.
“Kinh tế đêm của Đà Nẵng có thể trở nên rất đặc sắc, chúng ta phải tạo điều kiện về mặt thể chế, chính sách. Cần phải có những người đi tiên phong cho lĩnh vực này. Việc điều chỉnh phải tùy thuộc vào định hướng chung của quốc gia. Mỗi Đà Nẵng giải quyết vấn đề du lịch thì không đủ, phải gắn với Quảng Nam, Huế, thậm chí gắn cả với Tây Nguyên... Cần có chiến lược phát triển vùng một cách có tổ chức”, PGS. TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Sông Hàn rực rỡ càng ấn tượng hơn với tour du thuyền trên sông Hàn ngắm đêm Đà Nẵng.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, việc xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm cần có sự tính toán kỹ lưỡng các yếu tố tác động cả tích cực và tiêu cực. Trong quá trình xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cần nghiên cứu quy hoạch những khu vực, địa điểm có khả năng phát triển kinh tế ban đêm để có cơ sở triển khai trong tương lai. Các địa phương cần thu hút và lựa chọn nhà đầu tư uy tín, giàu kinh nghiệm trong hoạt động kinh tế ban đêm, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.
“Nên có những mô hình chuẩn cho phát triển sản phẩm du lịch về đêm. Nên học tập kinh nghiệm sản phẩm đêm của các nước có mô hình thành công như Thái Lan, Mỹ... Hiện nay, Đề án chỉ nêu đề án kinh tế đêm và du lịch đêm thì phải phân định rõ, có những sản phẩm du lịch đêm chỉ phục vụ cho người địa phương thì có được xem sản phẩm du lịch đêm không?”, ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam kiến nghị.
Du khách tấp nập dạo phố trong khu phố cổ Hội An (Ảnh: Văn Việt)
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thì các địa phương phải có sự đầu tư bài bản trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển đồng bộ, dài hạn, có lộ trình phát triển phù hợp. Các khu vực tổ chức dịch vụ về đêm phải đảm bảo các quy định về ninh trật tự, tiếng ồn, ánh sáng, phù hợp với tập quán sinh hoạt dân bản địa, xa khu dân cư, bệnh viện, trường học; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước để tránh những biến tướng, tệ nạn phát sinh… Các dịch vụ giao thông công cộng cũng cần được tăng tuyến, tăng thời gian phục vụ vào ban đêm. Các địa phương nên lồng ghép nội dung phát triển sản phẩm du lịch đêm vào chiến lược, quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết và chiến lược phát triển sản phẩm du lịch quốc gia.
Tại một số thành phố và một số khu du lịch lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc, cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm từ 18h đến 6 giờ sáng hôm sau. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương đề nghị, cần có những đánh giá cụ thể về hiệu quả hoạt động và công tác quản lý về du lịch đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động du lịch đêm, sau đó từng bước triển khai nhân rộng ra các địa phương khác.
Huế về đêm (Ảnh: Hoàng Hải)
“Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm văn hoá, bổ trợ cho các sản phẩm du lịch. Khi khách du lịch chọn đến với một địa phương hay một khu nghỉ dưỡng, bên cạnh những dịch vụ trực tiếp như ăn, ngủ, nghỉ, thì người ta còn quan tâm đến yếu tố văn hoá. Càng ngày những yếu tố văn hoá càng có tầm quan trọng cao hơn và sẽ quyết định khách du lịch chọn điểm đến ở đâu”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương đề xuất.
Việc chủ động phát triển sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm du lịch đêm nói riêng là phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế. Phát triển sản phẩm du lịch ban đêm cần phải dựa trên cơ sở tôn trọng và hài hòa cả cung và cầu trên thị trường, không áp đặt tư duy chủ quan của cơ quan quản lý. Để kinh tế đêm thật sự “bừng sáng”, các địa phương và ngành du lịch cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động du lịch về đêm như: tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi, vốn tín dụng ngân hàng. Kinh tế đêm không chỉ là “điểm sáng” của ngành du lịch, mà còn tạo động lực tăng trưởng kinh tế, xã hội trong tương lai./.
Nhóm PV