Hoạt động của ngành

Thành phố Hồ Chí Minh: Tiếp sức cho doanh nghiệp du lịch phục hồi

Cập nhật: 23/08/2022 09:56:52
Số lần đọc: 816
Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang trên đà phục hồi sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Ðể các doanh nghiệp đủ sức vực dậy đòi hỏi cần có sự hỗ trợ về vốn từ hệ thống ngân hàng.

Trao đổi giữa đại diện doanh nghiệp và ngân hàng tại Hội nghị Kết nối ngân hàng thương mại và doanh nghiệp du lịch thành phố.

Từ đầu năm đến nay, thị trường khách du lịch trong nước tại thành phố thật sự sôi động khi các chương trình tua của doanh nghiệp đều trong tình trạng kín lịch. Ðiều này cho thấy, ngành du lịch thành phố có sự phục hồi tốt. Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến thành phố, nguồn khách đem lại doanh thu lớn, chưa đạt mức kỳ vọng.

Nguyên nhân là bởi tình hình thế giới diễn biến phức tạp ảnh hưởng thị trường nguồn khách chưa thể kích hoạt, chính sách visa, lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngành du lịch gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn vay để khởi động lại, nhất là nhóm doanh nghiệp lữ hành đang rất cần vốn xoay vòng đón các đoàn khách đến nhưng chưa bảo đảm điều kiện vay vốn do không có tài sản thế chấp.

Du lịch là một trong những ngành chịu tổn thất nặng nề nhất của dịch Covid-19 trong suốt hai năm qua. Ðược sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và chính quyền thành phố, các doanh nghiệp du lịch thành phố đã tiếp cận được nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi, như: Giảm giá điện, tiền điện; giảm phí, lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính nhóm ngành du lịch; chi hỗ trợ cho lực lượng hướng dẫn viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền sử dụng đất cho các cơ sở lưu trú, hỗ trợ vay vốn… Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; các giải pháp kích cầu du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh; các hoạt động truyền thông quảng bá sản phẩm dịch vụ - điểm đến du lịch được triển khai, đẩy mạnh, đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch sớm phục hồi.

Tuy nhiên, cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong việc tiếp cận các chính sách và giải pháp hỗ trợ về vốn do nhiều doanh nghiệp nợ xấu, hoặc thiếu tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn vay sau hai năm dịch bệnh. Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hopon-hopoff Việt Nam, cho biết, hiện các doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng còn nhiều khó khăn bởi những quy định ràng buộc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hầu như không có doanh nghiệp nào có lãi. Do vậy, yêu cầu cho vay của ngân hàng là doanh nghiệp phải có lãi trong ba năm là hết sức khó khăn. "Nhiều ngân hàng cho vay vốn thì lãi suất cao; ngược lại, những ngân hàng có lãi suất thấp thì hết chương trình cho vay", ông Nguyễn Khoa Luân chia sẻ.

Thời gian qua, ngành du lịch nhận được sự chung tay giúp sức của các sở, ban, ngành và cộng đồng xã hội. Việc triển khai Nghị định số 31/2022/NÐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khi vay vốn ngân hàng thương mại đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành du lịch giải tỏa cơn "khát" vốn để phục hồi, tiếp tục phát triển là ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp hơn 10% vào GRDP của thành phố.

Theo ông Nguyễn Ðức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, ngành ngân hàng thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước với hai nội dung: Thực hiện các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP tại Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố; thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% tại các ngân hàng thương mại theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NÐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại tại thành phố tiếp tục nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan cơ chế, chính sách trong lĩnh vực ngân hàng để phản ánh kịp thời Ngân hàng Nhà nước có hướng tháo gỡ phù hợp, bảo đảm hoạt động ngân hàng ổn định, an toàn và hiệu quả.

Ông Nguyễn Ðức Lệnh cho biết, đối với Sở Du lịch thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch. Nếu vướng mắc liên quan cơ chế, chính sách, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, điều chỉnh.

"Nếu vướng mắc thuộc về ngân hàng thương mại, cán bộ ngân hàng gây khó khăn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố sẽ tiếp nhận xử lý. Riêng trường hợp vướng mắc liên quan doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, tài chính, sổ sách kế toán không minh bạch, sử dụng vốn vay sai mục đích,... thì doanh nghiệp phải tự hoàn thiện, thay đổi để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và từ các ngân hàng thương mại được thuận lợi", ông Nguyễn Ðức Lệnh cho biết.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho rằng, để chính sách đi vào thực tiễn, Sở Du lịch rất mong các ngân hàng thương mại cùng xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng doanh nghiệp du lịch, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp du lịch; các hợp tác, kết nối khác trong thanh toán, giao dịch du lịch; hợp tác, liên kết thực hiện các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng du lịch.

"Với kết quả ký kết cho vay, cam kết hỗ trợ giữa tám ngân hàng thương mại và tám doanh nghiệp du lịch tại hội nghị gắn kết giữa ngân hàng thương mại với doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố mới đây, chúng tôi tin sẽ gắn kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp du lịch và khối ngân hàng để cùng chung tay khôi phục du lịch và phát triển kinh tế thành phố", bà Bùi Thị Ngọc Hiếu nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Linh Nguyễn

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 23/8/2022

Cùng chuyên mục