Non nước Việt Nam

Quảng Nam: Xây dựng sản phẩm du lịch làng văn hóa Lộc Yên

Cập nhật: 17/08/2022 15:19:12
Số lần đọc: 850
Huyện Tiên Phước vừa ban hành Đề án xây dựng sản phẩm làng văn hóa du lịch Lộc Yên giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2050 làm cơ sở đầu tư, quản lý phát triển du lịch tại làng cổ theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy du lịch Tiên Phước phát triển thành ngành kinh tế quan trọng.


Bãi đá Lò Thung được quy hoạch thành hạng mục “Ao tiên” cung cấp dịch vụ tham quan suối, đá tự nhiên. Ảnh: P.H

Phát huy giá trị làng cổ

Tổng diện tích làng văn hóa du lịch (VHDL) Lộc Yên được xác định là 661ha, bao gồm di tích Làng cổ Lộc Yên, bãi đá Lò Thung và một phần diện tích suối Đá Giăng chảy qua xã Tiên Cảnh. Các tài nguyên du lịch phụ trợ bao gồm các di tích Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, khu mộ cụ Lê Vĩnh Khanh - Lê Vĩnh Huy, công binh xưởng QB 150, đình làng Hội An, thác Ồ Ồ (xã Tiên Châu) và hàng chục trang trại nông nghiệp lân cận.

Làng cổ Lộc Yên có địa hình tương đối bằng phẳng. Hệ thống đồi núi, sông suối bao quanh làng tạo nên khung cảnh thơ mộng, ruộng đồng phân tán nhỏ hẹp và đa phần là ruộng bậc thang tạo nên những bức tranh phong cảnh ấn tượng.

Thắng cảnh thiên nhiên Lò Thung nằm trên sông Đá Giăng cảnh quan phong phú, hấp dẫn, thanh bình, không khí trong lành, mát mẻ phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Hệ thống giao thông đã được đầu tư xây dựng kết nối thuận lợi với các khu trung tâm như TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, hồ Phú Ninh, TP.Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

Qua nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá, kết nối của huyện, đến nay, nhiều đơn vị lữ hành du lịch như V.E.I Travel – Hội An, Công ty Hoàng Anh Việt – Đà Nẵng đã đưa Tiên Phước trở thành điểm đến trong thiết kế tour du lịch về phía Tây Quảng Nam.

Năm 2020, huyện đã phối hợp với Tập đoàn Thiên Minh thiết kế sản phẩm đón khách châu Âu. Đặc biệt, xu hướng du lịch nông nghiệp, nông thôn đang tạo sức hút lớn với người dân đô thị. Khách nghỉ cuối tuần từ các đô thị lân cận là tiềm năng lớn.

Lấy người dân làm chủ thể

Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, quan điểm của huyện là phát triển du lịch bền vững theo hướng bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị đặc thù của làng cổ gắn với các hoạt động nông nghiệp và sản xuất của người dân để tạo chuỗi giá trị du lịch đa dạng, hấp dẫn và độc đáo. Xây dựng mô hình du lịch nông thôn với vai trò chính là người dân và các nông sản của họ.

Các vườn cây ăn quả tại làng cổ Lộc Yên sẽ trở thành hạng mục “Vườn tiên” phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng thức trái cây tại chỗ của du khách. Ảnh: P.H

Trước mắt, trong năm 2022, huyện phê duyệt xong quy hoạch chi tiết làng cổ; hỗ trợ người dân phát triển được các dịch vụ du lịch như: lưu trú nhà dân (homestay), trải nghiệm, tour đi xe đạp hoặc đi bộ quanh làng, tham gia các trò chơi dân gian và xem các hoạt động biểu diễn văn nghệ...

Phấn đấu đến 2030, làng VHDL làng cổ Lộc Yên sẽ trở thành hạt nhân du lịch của Tiên Phước, là điểm du lịch nông thôn điển hình của tỉnh Quảng Nam theo mô hình kết hợp du lịch - văn hóa - nông nghiệp, trở thành điểm du lịch cuối tuần có sức hút lớn trong khu vực với chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng.

Cũng theo ông Trầm Quế Hương, để thực hiện đạt các mục tiêu đề án, từ nay đến năm 2025, huyện sẽ tranh thủ, lồng ghép nhiều nguồn vốn, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng bảo tồn không gian văn hóa làng cổ.

Cụ thể, xây dựng không gian giao tiếp cộng đồng, nhà trưng bày sản phẩm làng nghề; mở một số tuyến vành đai, tuyến tránh đảm bảo giao thông thông suốt; cải tạo hạ tầng điện, công nghệ thông tin phục vụ dịch vụ chất lượng cao.

Đồng thời hỗ trợ công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, hỗ trợ người dân về cách làm các sản phẩm du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch.

Trên cơ sở đó, huyện thu hút các dự án đầu tư chủ lực như khu du lịch ở Lò Thung, khu du lịch theo dấu chân người khổng lồ ngay từ giai đoạn đầu, kéo theo các dự án nhỏ khác do cộng đồng các làng xung quanh Lộc Yên tham gia. Hoặc sẽ thu hút các dự án đầu tư quy mô nhỏ và du lịch cộng đồng, đầu tư dần dần, khi có sức hút thương hiệu mới có các dự án khu du lịch lớn.

Theo Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch làng VHDL làng cổ Lộc Yên giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2050”, bộ sản phẩm du lịch thương hiệu “Lộc Yên, ngôi làng nằm giữa cõi tiên’’ sẽ gồm nhiều sản phẩm, hoạt động hấp dẫn. Trong đó tổ hợp cảnh quan, dịch vụ ở làng cổ gồm cổng làng, quán nghỉ đầu làng và cảnh quan đồng lúa; làng Tiên (làng cổ Lộc Yên), hái quả “vườn Tiên’’, “chợ Tiên”; làng “Mít Tiên” là khu vực để du khách khám phá về văn hóa, cảnh quan; khu du lịch Suối Tiên (còn gọi Thập Ngũ Tiên Sa) gồm công viên “Người khổng lồ”, “Ao tiên”, các dịch vụ... Tổng nguồn vốn thực hiện đề án dự kiến 312 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đầu tư hơn 88 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 224 tỷ đồng .

 Phạm Hoàng

 

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Ngày 17/8/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT