Non nước Việt Nam

Đồng Tháp: Đình Vĩnh Phước - Di tích lịch sử văn hóa mang đậm phong cách ngôi đình Nam bộ

Cập nhật: 17/08/2022 14:39:02
Số lần đọc: 756
Đình Vĩnh Phước tọa lạc phường 1, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp được thành lập gắn liền với công cuộc khai hoang lập ấp. Theo qui chế lập làng của nhà Nguyễn, thì làng nhỏ gọi là ấp, làng trung bình gọi là thôn, làng lớn gọi là xã. Theo Minh Điều hương ước, chỉ có xã hay thôn mới được lập đình. Như vậy, mỗi thôn khi được chính thức thành lập tức là có tư cách pháp nhân về mặt Nhà nước đều có một ngôi đình để thờ thần thành hoàng. Đình làng Nam bộ nằm trong cơ chế chính thống của vương triều Chúa và Vua Nguyễn trước đây.  

Đình Vĩnh Phước tọa lạc phường 1, TP. Sa Đéc

Sách địa phương chí tỉnh Sa Đéc (năm 1967) ghi: “Đình Vĩnh Phước tục gọi là “Đình Gạo” một ngôi đình nhỏ đã có từ lâu, được xây cất lại hồi năm 1904. Đặc biệt, Đình Vĩnh Phước thờ Quan Thượng đẳng Quận công Tống Phước Hòa. Trước kia vị thần này có miếu thờ riêng, vì lâu đời nên bị hư, nên Ban Tế tự đình Tống Phước Hòa đề nghị Đình Vĩnh Phước thỉnh sắc thần vị này về thờ chung trong đình Vĩnh Phước (lúc này, đình Vĩnh Phước chưa có Sắc phong thờ thần Thành hoàng bổn cảnh). Sắc phong ngày 2/7 (âm lịch nhuận) - 1823 đời Thiệu Trị đệ tam niên. Hằng năm cúng vào ngày 15 tháng 1 âm lịch.

Theo một số tài liệu, Đình Vĩnh Phước còn có tên gọi là “Đình Gạo”, vì xưa kia chợ Vĩnh Phước nhóm rải rác dài theo đường Vĩnh Phước ở bờ sông Sa Đéc (ngày nay là đường Nguyễn Huệ) lấy rạch Cái Sơn làm ranh giới giữa làng Vĩnh Phước và làng Tân Phú Đông. Chợ còn nhóm cặp theo bờ rạch Cái Sơn, chạy dài đến xóm Cây Da mà ngày nay giới hạn bởi đường Phan Chu Trinh. Vị trí này ngày xưa có một rạp hát của làng Vĩnh Phước và cư dân mua bán sung túc. Một số bà con mua bán gạo tạm gởi ở nhà bếp của đình. Nhiều người gởi gạo như thế lâu ngày mới thành danh là “Đình Gạo”.

Đình Vĩnh Phước thờ thần Thành hoàng bổn cảnh và Thượng đẳng Quận công Tống Phước Hòa nên thuộc loại di tích kiến trúc nghệ thuật tín ngưỡng dạng đình. Đình Vĩnh Phước được xây dựng lại kiên cố vào năm 1904 trên thửa đất cất đình cũ bằng vật liệu nhẹ mau hỏng, trông về hướng Đông, phía trước là đường Trần Hưng Đạo khi xưa gọi là đường giữa. Nhìn từ ngoài vào đình bị thấp nhưng vào bên trong mới thấy cao (do lòng rộng). Mái lợp ngói âm dương, vẩy cá, kiểu mái thượng lầu hạ hiên. Bộ sườn của đình rất kiên cố dùng toàn gỗ danh mộc rắn như đá, thiết kế bằng một hệ thống khung liên kết thật chắc, khỏe để thừa sức chịu lực. Bộ sườn gỗ để chống đỡ chủ yếu là cột, kèo, xuyên, trính và thêm những cây trỏng (những cây đứng ngắn) chỏi từ lưng xuyên lên.

Đình Vĩnh Phước có các hạng mục kiến trúc như: Cổng tam quan, hàng rào xung quanh, sân đình, võ ca, chánh điện và nhà hậu. Đồng thời còn giữ lại gần như nguyên vẹn bức tranh chạm khắc đẹp mang phong cách nghệ thuật nhà Nguyễn. Đình Vĩnh Phước ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần tín ngưỡng của một cộng đồng làng xã cụ thể là làng Vĩnh Phước. Đây cũng là mốc đánh dấu kết quả của công cuộc khai hoang lập ấp. Theo quy chế lập làng của nhà Nguyễn, làng Vĩnh Phước gọi là thôn tức là một làng trung bình. Qua thời gian tồn tại của đình, Đình Vĩnh Phước đã góp phần đáng kể trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống lao động sáng tạo của người xưa cho các thế hệ sau.

Đình Vĩnh Phước được Bảo tàng tỉnh tiến hành kiểm kê (vào sổ) di tích từ năm 1992. Nhận thấy ý nghĩa về mặt lịch sử văn hóa nghệ thuật của ngôi đình, Bảo tàng tỉnh đã lập hồ sơ di tích và được UBND tỉnh Đồng Tháp ra quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa đối với Đình Vĩnh Phước vào ngày 10/4/2003. Nhìn chung, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm. Toàn tỉnh có 94 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích Quốc gia đặc biệt, 16 di tích Quốc gia, 77 di tích cấp tỉnh. Tỉnh đang thực hiện các bước liên quan đến hồ sơ khoa học để đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đối với Đình Vĩnh Phước, nhằm phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và TP Sa Đéc nói riêng.

(Bài viết có sử dụng tài liệu của Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp)

Dũng Chinh

 

Nguồn: Báo Đồng Tháp - baodongthap.vn - Đăng ngày 17/8/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT