Ngọt thơm xứ dừa
Ngọt thơm xứ dừa
Cư dân nhiều vùng ở miền Tây Nam Bộ thường gọi dải đất nổi trên sông là cồn hay cù lao. Là một trong bốn cù lao lớn trên sông Tiền Giang (Long, Lân, Quy, Phụng), Cồn Phụng được phù sa bồi đắp lâu đời, trở thành một vựa trái cây lớn của cả vùng, nhìn từ xa hay đến tận nơi thì cũng thấy nổi bật là mầu xanh bao phủ. Đến đây vào mùa hè, du khách có dịp thưởng thức tại vườn nhiều loại quả đặc sản như sầu riêng, mít, măng cụt, chôm chôm... tươi rói, mọng nước, ngọt lịm. Những nếp nhà nhỏ xinh nép dưới vườn cây ăn quả và hàng dừa nước đung đưa trông thơ mộng và bình yên đến nỗi nhiều du khách đã ví von chuyến đi như “tấm vé về với tuổi thơ”. Và không thể thiếu trong hành trình sông nước là trải nghiệm ngồi xuồng, tự tay chèo hoặc được người dân chèo đưa đi xuyên những dòng kênh, rạch nhỏ đan xen, nghe câu hò điệu hát “Tóc dài ai bỏ ngang vai... Phải người con gái Mỏ Cày, Bến Tre”... Nếu có nhiều thời gian hơn, du khách có thể thuê xe đạp hoặc xe ngựa dạo quanh thôn xóm, cùng dân làng đi kéo phao, tát mương bắt cá, tắm sông.
Cồn Phụng còn được gọi là “Cồn Đạo Dừa” vì những giai thoại và công trình di tích độc đáo. Không phải ngẫu nhiên mà vùng đất mang tên xứ dừa. Cây dừa là sản phẩm kinh tế quan trọng và hiện diện trong mọi mặt đời sống, từ ẩm thực đến kiến trúc, từ văn hóa đến du lịch. Những xưởng kẹo dừa nơi đây luôn mở rộng cửa đón khách tham quan các công đoạn sản xuất, thưởng thức miễn phí những chiếc kẹo dẻo thơm nóng hổi vừa ra lò, thậm chí tự tay cắt kẹo và đóng gói về làm quà. Ngay gần đó, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ cũng đã biến mọi phần khác của cây dừa như vỏ, lá, thân cây trở thành đồ dùng gia đình và trang sức, đồ lưu niệm tinh xảo. Người rời Cồn Phụng rồi có khi hương thơm của tinh dầu dừa vẫn quấn quýt, vấn vương trên tóc ai.
Bài và ảnh: Mỹ Hạnh