Non nước Việt Nam

Quảng Ngãi: Lan tỏa giá trị của hòa bình tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ

Cập nhật: 18/03/2024 11:37:58
Số lần đọc: 910
Với mong muốn lan tỏa giá trị của hòa bình, người dân xóm Khê Thuận (thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi) - nơi đã từng gánh chịu nỗi đau của chiến tranh đã thành lập mô hình “Du lịch cộng đồng yêu chuộng hòa bình” Sơn Mỹ. Đây là sản phẩm du lịch mới, được nhiều du khách lựa chọn trải nghiệm khi đến địa phương.

Khu Chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê) cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 13 km về phía Đông Bắc. Nơi đây, mỗi năm, hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan nhưng ít được gặp gỡ, nghe chuyện kể từ những nhân chứng trong vụ thảm sát Sơn Mỹ và trải nghiệm cuộc sống làng quê thời bình. Do đó, năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân xóm Khê Thuận thành lập mô hình “Du lịch cộng đồng yêu chuộng hòa bình” Sơn Mỹ. Du khách khi đến đây không những được tham quan Khu Chứng tích Sơn Mỹ - nơi tưởng nhớ các nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ mà còn được kết nối với người dân bản địa để gặp gỡ những nạn nhân sống sót và trải nghiệm cuộc sống làng quê bình yên.

Bà Trần Thị Huy (71 tuổi) là một trong những người sống sót trong vụ thảm sát Sơn Mỹ cách đây 56 năm, là người chuyên hát bài chòi phục vụ du khách. Bà Huy cho biết, bài hát được bà hát phục vụ du khách nhiều nhất là “Thuận Yên Mỹ Hội” kể lại vụ thảm sát Sơn Mỹ cũng như nỗi đau của người ở lại. “Dù đã 56 năm, nhưng mỗi lần hát bài này, tôi vẫn cảm giác như mọi chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua. Từ nỗi đau đó, tôi mong con cháu hãy trân trọng những gì đang có, hiểu được giá trị của hòa bình để giữ gìn hòa bình. Tôi mong những người đến với Sơn Mỹ có thể hiểu rằng, những con người nơi đây rất yêu chuộng hòa bình; từ đó chung tay hành động vì hòa bình của nhân loại”, bà Huy tâm sự.

Du khách tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Cùng với ý nghĩa lan tỏa câu chuyện ký ức chiến tranh và văn hóa bản địa, việc phát triển mô hình du lịch này còn góp phần bảo tồn văn hóa và phát huy các giá trị vốn có. Dù mới được thành lập, mô hình đã đáp ứng nhu cầu các du khách. Anh Trương Hồng Thái (trú thành phố Quảng Ngãi) cho biết, dù sinh sống, làm việc ngay tại thành phố nhưng đây là lần đầu anh đến Sơn Mỹ và được tìm hiểu về vụ thảm sát ở đây năm 1968. Anh còn được trải nghiệm cuộc sống làm nông cùng người dân nơi đây.

“Tôi thấy rất bất ngờ vì chính người dân là hướng dẫn viên nhiệt tình đưa chúng tôi tham quan các điểm di tích, cảnh quan làng quê. Đến đây, tôi không chỉ được trải nghiệm nếp sống của người Sơn Mỹ xưa, mà còn được thưởng thức các món ăn tươi, đậm hương vị địa phương. Tôi rất hài lòng và sẽ giới thiệu bạn bè đến đây tham quan”, anh Thái chia sẻ.

Ông Đỗ Tấn Bạch, Trưởng Ban Điều phối mô hình “Du lịch cộng đồng yêu chuộng hòa bình” Sơn Mỹ cho hay, với lối sống giản dị và nhân văn, người dân tham gia mô hình với tinh thần cởi mở, chân tình. Với phương châm phát huy nội lực, đi lên từ nguồn lực sẵn có và tính chân thật trong giá trị văn hóa, con người địa phương, đơn vị đã thực hiện từng bước trong tổ chức và vận hành dịch vụ du lịch. Thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục duy trì, phát triển đa dạng sản phẩm phục vụ du lịch; đồng thời góp phần phát triển sinh kế cho người dân địa phương.

Du khách nghe những nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát Sơn Mỹ kể chuyện lịch sử. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Mô hình “Du lịch cộng đồng yêu chuộng hòa bình” Sơn Mỹ là mô hình mới nhưng đã thu hút được du khách trong nước và quốc tế. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho biết, năm 2024, tỉnh chú trọng kế hoạch phát triển du lịch đặc trưng có khả năng khai thác hiệu quả là sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. “Bên cạnh việc quảng bá, đẩy mạnh phát triển du lịch, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn cũng được tỉnh chú trọng. Tỉnh sẽ mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ năng nghề du lịch cần thiết cho các tổ chức, cá nhân, gia đình nhằm chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang dịch vụ.

Tin rằng, mô hình “Du lịch cộng đồng yêu chuộng hòa bình” Sơn Mỹ sẽ là cơ hội để Quảng Ngãi quảng bá sâu rộng địa danh lịch sử, văn hóa, con người cũng như tiềm năng du lịch của địa phương, nhằm đưa hình ảnh tỉnh đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ”, ông Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đinh Hương

Nguồn: Báo Dân tộc miền núi - dantocmiennui.vn - Ngày đăng 16/03/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT