Quảng Ninh: Cô Tô hướng tới du lịch không mùa vụ
Du khách trải nghiệm cảm xúc hoà mình vào thiên nhiên thơ mộng trên huyện đảo Cô Tô. (Ảnh huyện Cô Tô cung cấp)
Năm 2023, trong định hướng phát triển du lịch, huyện Cô Tô đã đưa ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể và hướng tới du lịch Cô Tô không mùa vụ. Huyện đã tổ chức lễ khai mạc du lịch hè sớm hơn 40 ngày so với năm trước, qua đó các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành, ăn uống chủ động cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ đón du khách. Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch mạnh dạn triển khai, đưa vào hoạt động nhiều loại hình, điểm du lịch mới, như bãi tắm Ba Châu, Hồng Vàn, vùng biển Vụng Tròn, hòn Ông Tích, hòn Chim. Dịch vụ lặn biển ngắm san hô, khám phá mùa cá nhân đàn, ngắm rong mơ... cũng lần đầu được triển khai, thu hút du khách.
Từ tháng 5, Cô Tô tổ chức lễ thượng cờ bên tượng đài Bác Hồ vào sáng thứ 7 hằng tuần để khách du lịch tham gia; cho phép du khách check-in trong khuôn viên tượng đài Bác Hồ. Đây là những hoạt động góp phần hút du khách đến với Cô Tô - vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Hiện nay, hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ, homestay trên đảo Cô Tô gần như đã được đặt trước. Nắm bắt nhu cầu sử dụng phòng nghỉ cao của du khách, rất nhiều hộ dân ở 2 xã lân cận thị trấn, là Đồng Tiến và Thanh Lân đã chỉnh trang nhà cửa, phòng ngủ, lắp đặt thiết bị chống nóng, chống ồn để đón khách lưu trú. Hoạt động này góp phần giảm tải sức ép về phòng nghỉ trên đảo Cô Tô những lúc cao điểm đón khách du lịch. Đồng thời, cũng tạo nguồn thu cho người dân, nâng cao trình độ tiếp cận và tác phong phục vụ, hội nhập phát triển du lịch của người dân trên đảo.
Bãi biển ở Cô Tô trải dài cát trắng. (Ảnh huyện Cô Tô cung cấp)
Theo đánh giá của UBND huyện Cô Tô, trong 6 tháng đầu năm, tổng đầu tư xã hội trên địa bàn huyện là gần 170 tỷ đồng. Tổng lượng hàng hoá bán lẻ trên đảo đạt hơn 500 tỷ đồng. Khoản tiền này chủ yếu phát sinh từ các hoạt động phục vụ du lịch. Ví như người dân mua bán nguyên vật liệu để xây mới, mở rộng cơ sở lưu trú, mua bán thực phẩm, xăng dầu, đồ gia dụng... phục vụ nhu cầu tiêu dùng của du khách.
Điều đáng nói ở Cô Tô là định hướng du lịch xanh, sạch, bền vững, giá trị cao ngày càng được chính quyền, nhân dân và du khách cộng quản trách nhiệm để triển khai hiệu quả. Cô Tô ngày càng tăng cường các hoạt động giảm thiểu, tiến tới loại bỏ rác thải nhựa trên đảo, nghiêm ngặt bảo vệ cảnh quan môi trường, khuyến khích phát triển những loại hình du lịch mới lạ, hấp dẫn, đáp ứng dòng khách sẵn sàng chi tiêu cao...
Từ đầu năm đến nay toàn huyện đã thu gom, vận chuyển, xử lý hàng chục tấn rác thải nhựa, chủ yếu là nguồn rác thải từ biển dạt vào bờ. Lượng rác thải nhựa do khách du lịch sử dụng trên đảo ngày càng giảm, cho thấy ý thức chung tay cùng địa phương “nói không với rác thải nhựa” của du khách đã ngày càng cao. Các xã, thị trấn, đơn vị chuyên môn của huyện Cô Tô đã kiểm tra, xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè, xây dựng sai phép, đổ rác thải không đúng nơi quy định... qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường đảo, góp phần phát triển đảo bền vững.
Doi cát nổi giữa biển Cô Tô xanh biếc, tạo nên nét đẹp khác biệt ở vùng đất này. Ảnh: Thanh Hồng - CTV Cô Tô.
Đặc biệt, gần đây trên địa bàn Cô Tô đã có một số đơn vị du lịch chuyên nghiệp triển khai tour du lịch lặn biển, khám phá hệ sinh thái biển tại các điểm Vụng Tròn, hòn Chim, hòn Ông Tích thuộc xã Thanh Lân. Các tour lặn biển dù mới được đưa vào khai thác, song đã tạo được sức hút đối với rất nhiều du khách đến Cô Tô.
Kết quả kinh tế du lịch đã góp thêm vào sự chuyển dịch tích cực trong phát triển kinh tế ở huyện đảo Cô Tô. Hiện Cô Tô không còn hộ nghèo, mức thu nhập bình quân của người dân đạt khoảng 115 triệu đồng/người/năm. Đây là cơ sở để huyện phấn đấu đến cuối năm 2023, thu nhập của người dân đạt trên 130 triệu đồng như mục tiêu đề ra. Cô Tô - vùng đảo tiền tiêu quan trọng của tỉnh đã, đang và ngày càng phát huy lợi thế riêng có, nổi trội của mình, trở thành huyện đảo giàu đẹp, vững mạnh, hiện đại, văn minh.
Việt Hoa