Quảng Ninh: Để di sản văn hóa thành thế mạnh du lịch
Hát dân ca phục vụ du khách tại khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều).
Toàn tỉnh hiện có gần 1.500 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là những sản phẩm vật chất, tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, là tài sản nhân văn quý giá của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Về di sản văn hóa vật thể, những năm gần đây, công tác tôn tạo và phát huy giá trị các di sản phục vụ phát triển du lịch đã được đầu tư với số vốn hàng ngàn tỷ đồng, tiêu biểu là các công trình tại Khu di tích Yên Tử, khu di tích nhà Trần TX Đông Triều, di tích đền Cửa Ông.v.v..
Công tác quản lý, xếp hạng di sản văn hóa cũng được làm tốt hơn. Chỉ tính riêng năm 2018, có thêm 5 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh, 2 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Phát huy giá trị di sản văn hóa để khai thác du lịch, tỉnh đã có 1 khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y tại xã Bằng Cả (Hoành Bồ).
Để thu hút khách du lịch, theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trong việc xây dựng khu bảo tồn văn hóa, cần có thêm cả những khoảng không gian để bà con dân tộc sinh hoạt cộng đồng, đưa dân đến sống ở đấy, tổ chức các hoạt động văn hóa, sinh hoạt văn nghệ, thêu dệt thổ cẩm, truyền dạy văn hóa dân gian, truyền nghề thủ công truyền thống. Đây cũng là chỗ tổ chức cho du khách trải nghiệm hoạt động của bà con dân tộc.
Cũng theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, muốn khai thác văn hóa dân gian thì phải mang “chưng cất” lên. Đó là cả một quá trình dài nghiên cứu và có chọn lọc. Do đó, công tác nghiên cứu, sưu tầm phục dựng di sản cần được quan tâm, chú trọng. Giai đoạn từ năm 2009 đến nay, ngành Văn hóa Quảng Ninh đã chủ trì thực hiện 14 đề tài nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu đã tạo nguồn tư liệu quý giá cung cấp những thông tin xác thực, phục vụ tốt cho nhu cầu tìm hiểu thông tin xúc tiến, phát triển du lịch.
Hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, phát huy giá trị di sản văn hóa ở tỉnh nhà đã thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp. Tính riêng trong năm 2018, công tác xã hội hóa đầu tư, tu bổ di tích ngày càng mạnh mẽ với số kinh phí năm qua đạt khoảng 600 tỷ đồng, phần lớn là nguồn ngoài ngân sách. Tiêu biểu như khu di tích Yên Tử đã và đang được đầu tư, tôn tạo từ nguồn vốn doanh nghiệp và công đức của khách thập phương. Hiện nơi đây cũng đang tiếp tục triển khai, hoàn thiện khu trung tâm văn hóa, tổ chức lễ hội, dịch vụ du lịch mang sắc thái riêng, xứng tầm là khu di tích quốc gia đặc biệt, trung tâm văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Một số làng quê, làng nghề truyền thống, đặc biệt là những làng gần điểm du lịch cũng đã khai thác để phục vụ du lịch. Làng quê Yên Đức, khu du lịch Quảng Ninh Gate (Đông Triều), làng hành hương dưới chân Yên Tử (Uông Bí) đã tái hiện sống động không gian thân thuộc của làng quê Việt Nam xưa, những kiến trúc dân gian truyền thống, không gian chợ quê, trải nghiệm ẩm thực dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân gian.
Theo các chuyên gia, người đi du lịch trải nghiệm văn hóa dân gian là 2 lần đi du lịch: Một lần thưởng thức và một lần trải nghiệm. Khi du khách có thêm những trải nghiệm nhiều thì ta mới kéo dài được thời gian họ lưu trú, họ bỏ tiền ra mua sắm chi dùng nhiều hơn, người dân địa phương sẽ hưởng lợi. Do đó, khi Quảng Ninh biến di sản thành tài sản du lịch không chỉ là giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, mà còn nâng cao hiệu quả trong phát triển du lịch các địa phương đóng góp một nguồn thu không nhỏ cho ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội./.