Hành trang lữ khách

Quảng Ninh: Đến với thác Hàm Rồng

Cập nhật: 26/07/2022 05:54:51
Số lần đọc: 798
Xã Quảng An (huyện Đầm Hà) có 75% dân cư là người dân tộc thiểu số, gồm 8 dân tộc anh em. Nơi đây còn sở hữu 2 thác nước đẹp cùng nhiều sông suối, cảnh vật nên thơ, ẩn chứa nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch.  


Mảnh đất giàu tiềm năng văn hóa và du lịch

Dù nhiều năm Quảng An nằm trong diện đặc biệt khó khăn, thế nhưng các dân tộc ở xã luôn phát huy tốt bản sắc dân tộc mình, thể hiện rõ qua các giá trị văn hoá, ẩm thực, lễ hội, nghề truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng trong cộng đồng. Sự đa dạng về văn hóa còn mang lại cho xã hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình khác nhau, như: Trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống… Việc bảo tồn, phát huy các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống cũng đã góp phần tạo nên cho Quảng An nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giàu giá trị.

Quảng An có diện tích tự nhiên 59,4 km2, nhưng chủ yếu là đồi núi cao và hơn 13.000ha rừng phòng hộ. Xen kẽ rừng đồi là những con sông, suối, thác nước và những đồi sim tự nhiên. Vào mùa hè, nhiều người tìm đến Quảng An trải nghiệm, cũng là mùa sim ra hoa và cho quả chín. Xã có thôn Tầm Làng cách trung tâm xã 7km xã sở hữu tới 2 thác nước, trong đó thác Bạch Vân đã được khai thác du lịch, nhưng thác Hàm Rồng vẫn “ngủ yên” trong rừng sâu, đang chờ đợi được đánh thức.

Thác Bạch Vân được nhiều du khách tìm đến vào các ngày nghỉ lễ và cuối tuần

Thác Bạch Vân được tạo bởi suối Bạch Vân ẩn mình giữa núi rừng xanh thẳm của các khu rừng già nguyên sinh và đổ xuống chân thác từ độ cao trên 70 mét qua 5 tầng thác. Đây là một dòng thác đẹp, còn tương đối hoang sơ, chưa từng bị con người can thiệp, làm biến đổi.

Các năm 2017 và 2018, để hỗ trợ phát triển du lịch, huyện Đầm Hà đã đầu tư tuyến đường bê tông đấu nối trục đường xã Quảng An vào tới trung tâm thôn Tầm Làng, nhằm tạo điều kiện tốt cho Khu du lịch thác Bạch Vân, với số kinh phí là 21,243 tỷ đồng (Giai đoạn I đầu tư 14,913 tỷ, giai đoạn II là 6,33 tỷ đồng). Sau đó, Công ty TNHH Hồng Ánh Ngọc cũng đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để cải tạo tuyến đường vào thác Bạch Vân và các hạng mục hạ tầng cơ sở phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm thác. Doanh nghiệp này còn đầu tư tiếp vài chục tỷ đồng cho các dự án nuôi cá tầm, cá hồi, trồng trà hoa vàng và các cơ sở hạ tầng lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí...

Đi tìm thác Hàm Rồng

Cách thác Bạch Vân khoảng 3km là thác Hàm Rồng. Tuy quãng đường không dài nhưng là đường rừng nên cũng mất cả tiếng đi bộ. Chuyến đi của chúng tôi vào thác Hàm Rồng cùng với các cán bộ xã Quảng An và huyện Đầm Hà phải chuẩn bị khá kỹ lưỡng, nếu chẳng may có mưa đổ xuống thì cũng phải mất mấy ngày nắng to tiếp theo mới đi được, vì đường trơn. Tuy thác Hàm Rồng nằm trên địa phận xã Quảng An, nhưng mà không phải ai cũng biết đường, để chuyến đi được thành công, xã phải cử anh Lô Phồng Hếnh, Trưởng thôn Tầm Làng là người dẫn đường. Từ bé, anh Hếnh đã quen thuộc những cánh rừng nguyên sinh ở Tầm Làng, với những buổi đi lấy nấm chẹo, hái măng rừng.

Thác Hàm Rồng vẫn như người đẹp đang ngủ trong rừng vì chưa được khai thác du lịch.

Anh Hếnh nhắc nhở tôi thay đôi giày thể thao bằng đôi dép kiểm lâm để lội suối và khỏi trượt chân khi giẫm phải đá có rêu. Đây là khu vực rừng phòng hộ, người dân rất hạn chế ra vào, nên gần như không có đường. Tuy đã vài ba lần vào thác Hàm Rồng, thế nhưng thỉnh thoảng anh Hếnh vẫn phải đứng quan sát đường một lúc mới đi tiếp, vì cành cây mọc lên rất nhanh, chỉ cần một vài tuần là lấp hết lối cũ. Trong rừng, cỏ cây hoa lá như cũng chiếm riêng một cõi. Chúng tôi đi qua những vạt rừng đầy sim, vào giữa tháng sáu, những quả sim đã bắt đầu chín mọng, vị rất ngọt.

Thác len lỏi qua các vách đá rồi bất ngờ đổ qua cửa đá giống như dòng nước được phun ra từ miệng con rồng.

Cái sợ nhất của chúng tôi trong rừng là vắt, những con vắt rừng háu đói hễ thấy hơi người là bám chặt lấy. Trước khi đi, anh Hếnh đã cẩn thận chuẩn bị cho chúng tôi gói thuốc lào để bôi vào chân. Thuốc lào có vị cay, vắt không dám bâu vào, tuy thế vẫn không hiệu quả, vì qua suối là bị trôi đi hết. Mà chỉ bôi thuốc lào vào chân vẫn chưa đủ, vì vắt đu cả trên những cành cây, rồi bám vào vai, vào lưng chúng tôi hút máu, chỉ khi máu chảy ngấm đỏ áo mới biết. Con vắt bình thường nom to hơn que tăm, thế nhưng khi nó hút căng bụng máu thì phồng lên như con đỉa trâu.

Khu vực gần thác Hàm Rồng còn có cây sấu ước tính vài trăm năm tuổi.

Từ xa, đã nghe thấy rì rào tiếng nước chảy, anh Hếnh thầm reo lên: “Sắp đến thác Hàm Rồng rồi”. Chúng tôi chợt thấy phấn chấn, quên hết mệt của gần tiếng đi bộ, càng đến gần càng thấy mát mặt vì những bụi nước li ti bay bám vào. Thác Hàm Rồng gồm 5 tầng nước, cảnh thiên nhiên quanh thác còn nguyên sơ như từ khi tạo hóa sinh ra nó. Dòng nước giống như con rắn trắng khổng lồ len lỏi qua những mỏm đá rồi bất ngờ chui qua một cửa đá đổ xuống, nom giống như miệng con rồng đang phun nước, phải chăng vì thế mà trở thành tên gọi.

Niềm vui được trải nghiệm.

Khung cảnh thiên nhiên gần thác Hàm Rồng thật ngoạn mục, giống như cảnh vật mà ta chỉ thấy trên phim ảnh. Ấn tượng nhất với chúng tôi là cây sấu ước tính có niên đại vài trăm năm tuổi. Cây có chu vi khoảng 30m, vì chục người chúng tôi đứng ôm chưa hết nửa thân cây.

Chờ đợi các nhà đầu tư có tầm

Tháng 12/2019, UBND huyện Đầm Hà đã xây dựng Đề án Xây dựng Làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Tầm Làng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà. Theo Đề án, công trình được xây dựng ở thôn Tầm Làng của xã Quảng An từ nguồn xã hội hóa trên diện tích 5ha. Từ đó sẽ đầu tư vào việc tạo lập không gian văn hóa, xây dựng hạ tầng thiết yếu (giao thông, phục dựng miếu thờ, bến đỗ xe...), đầu tư phát triển bền vững (chăm sóc bảo vệ rừng đầu nguồn, hệ thống cây xanh quanh làng, vườn hoa, xử lý rác thải), xây dựng làng nghề truyền thống, bảo tồn xây dựng các giá trị văn hóa phi vật thể...

Xã Quảng An cũng đã tích cực vào cuộc như khuyến khích nhân dân phục dựng một số ngành nghề truyền thống như đan nón Đại Hiệp, phục hồi lễ cấp sắc truyền thống, ngôn ngữ người Dao (Tầm Làng có 100% là người Dao), hát Páo dung các dịp lễ tết và các đám cưới hỏi, góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo, lâu đời của người dân bản địa. Điều này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch trong tương lai phát triển của xã.

Nhiều con đường ở Tầm Làng trở nên quá nhỏ khi có đông du khách như dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua.

Trong dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, đã có hàng nghìn lượt khách đến thôn Tầm Làng trải nghiệm du lịch. UBND xã Quảng An cũng đã vào cuộc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, các đoàn thể xã thực hiện các nhiệm vụ, không để xảy ra tình trạng gây mất an toàn, tai nạn thương tích, mất an ninh trật tự; giữ gìn vệ sinh môi trường, từng bước vận động nhân dân thôn Tầm Làng tham gia các hoạt động du lịch, hỗ trợ, hướng dẫn các du khách có được những điều kiện thuận lợi nhất khi đến tham quan, trải nghiệm, tạo niềm tin và lòng thân thiện. Tuy số người đến với Tầm Làng chưa đông so với nhiều điểm du lịch khác, nhưng đã cho thấy nhiều bất cập, nhất là các con đường nhỏ bé nơi đây.

Theo các cán bộ xã Quảng An, với tiềm năng du lịch của xã như vậy, nếu được đầu tư tốt thì sẽ tạo cho xã và huyện Đầm Hà diện mạo mới. Tuy nhiên, xã không có nguồn kinh phí đầu tư nên việc quản lý, bảo vệ tài nguyên còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và yếu, không đồng bộ, nhiều địa điểm chưa có đường vào hoặc muốn vào thì phải đi bộ. Bởi vậy, hiện du lịch của xã chưa có bước phát triển rõ nét, hiệu quả và tương xứng với tiềm năng sẵn có, các điểm du lịch chưa được khai thác triệt để, hệ thống dịch vụ du lịch về lưu trú, ăn uống, vui chơi và vận tải còn chưa được đầu tư. Quảng An vẫn đang chờ đợi các nhà đầu tư tầm cỡ tìm đến, để từ đó đưa du lịch của xã có bước đột phá lên một tầm cao hơn.

Anh Vũ

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tỉnh Qu​ảng Ninh - quangninh.gov.vn - Đăng ngày 25/7/2022

Cùng chuyên mục