Hoạt động của ngành

Quảng Ninh: Hạ Long cất cánh từ hạ tầng giao thông đồng bộ

Cập nhật: 25/08/2021 09:54:25
Số lần đọc: 1069
Hạ Long được định hướng phát triển theo mô hình đa cực. Trong đó, vịnh Cửa Lục là trung tâm kết nối, không gian phát triển sẽ mở ra các khu vực lân cận. Để rút ngắn khoảng cách chênh lệch, sớm hình thành nên các cực tăng trưởng, nhiều công trình hạ tầng giao thông mới, đi trước mở đường, đã được đầu tư, hứa hẹn tạo sự đột phá, tăng tốc.


Trung tâm kết nối vịnh Cửa Lục

2 khu vực Hạ Long và Hoành Bồ trước đây, nay gọi là phía Nam và Bắc TP Hạ Long được chia cắt bởi vịnh Cửa Lục, nơi có những con sông từ thượng nguồn phía Bắc đổ về. Vịnh Cửa Lục trở thành vị trí trung tâm của 2 khu vực, nơi thuận lợi nhất để phát triển đô thị và các điểm kết nối bằng giao thông đường bộ, đường thủy...

Một góc TP Hạ Long hôm nay.

Trên cơ sở điều kiện thực tế về tự nhiên, địa lý, địa hình, cũng như đề xuất của Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 702/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Hạ Long được định hướng phát triển theo mô hình đa cực. Trong đó, vịnh Cửa Lục là trung tâm kết nối, không gian phát triển mở ra các khu vực lân cận với 4 cực tăng trưởng, gồm: Phía Bắc là vùng đô thị sinh thái, dịch vụ hỗ trợ; phía Đông với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa; phía Tây là đô thị du lịch, dịch vụ, công nghiệp, cảng và phía Nam là hành lang đô thị ven vịnh Hạ Long.

Theo lộ trình, giai đoạn 2021-2030 sẽ phát triển và nâng cao chất lượng không gian ven biển; xây dựng hoàn thiện các tuyến đường ven biển, không gian công cộng và dịch vụ công cộng ven biển. Giai đoạn 2031-2040 sẽ mở rộng kết nối ra các khu vực lân cận để tạo không gian phát triển hài hòa, dựa trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long.

Triển khai theo quy hoạch, từ định hướng mang tính “xương sống”, TP Hạ Long đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhanh chóng lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 để cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung; triển khai cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu, gắn với việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị di sản truyền thống, phát huy yếu tố thuận lợi, tiềm năng của khu vực; khớp nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan, nâng cao điều kiện môi trường sống và cảnh quan chung.

Quy hoạch TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, vịnh Cửa Lục là trung tâm kết nối, không gian phát triển sẽ mở ra các khu vực lân cận với 4 cực tăng trưởng.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Thành phố tiến hành rà soát đánh giá các đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư hiện có trên địa bàn để điều chỉnh phù hợp với Quy hoạch và bối cảnh phát triển mới. Đặc biệt là rà soát, điều chỉnh các dự án xung quanh vịnh Cửa Lục theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhằm khai thác hiệu quả những lợi thế, đảm bảo xây dựng vịnh Cửa Lục trở thành trọng tâm phát triển, gắn với bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên xung quanh vịnh.

Cùng với đó, thành phố cũng ưu tiên nguồn lực ngân sách nhà nước để đồng hành cùng tỉnh thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, chiến lược, các cơ sở hạ tầng khung quan trọng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối khu vực trung tâm hướng theo 4 cực tăng trưởng. Đồng thời, huy động đa dạng nguồn lực xã hội để đầu tư các dự án trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo sự phát triển đô thị Hạ Long đồng bộ, hài hòa và toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, hướng tới xây dựng TP Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia, có tầm quốc tế; là hạt nhân quan trọng để xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Đường lên xã Kỳ Thượng.

Mở ra những không gian phát triển mới

Việc sớm hoàn thiện quy hoạch đã định hướng không gian phát triển trên quan điểm cân bằng cho từng khu vực; xây dựng các khu đô thị cao cấp, hạ tầng hiện đại, mang đặc trưng riêng; triển khai các dự án giao thông mang tính chất động lực, kết nối mới phục vụ người dân và du khách, đã giúp Hạ Long hình thành nên 11 điểm cửa ngõ. Cụ thể là nút giao thông với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cửa ngõ gắn với QL279 tại các khu vực tiếp giáp, cửa ngõ nối TP Cẩm Phả, TP Uông Bí và TX Quảng Yên, cùng hệ thống các điểm kết nối bằng giao thông đường thủy thông qua các tuyến sông, mặt nước.

Cầu Cửa Lục 1 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021.

Để rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực, hình thành nên các cực tăng trưởng, từ sự quan tâm của tỉnh, hiện trên địa bàn thành phố, chuỗi hạ tầng giao thông đối nội, đối ngoại đều đang đồng loạt được triển khai nhanh chóng, sôi động. Điển hình như kết nối cực tăng trưởng phía Bắc là các công trình cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3, đường nối KCN Cái Lân đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; cực tăng trưởng phía Đông là dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đang được khẩn trương triển khai, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021; cực tăng trưởng phía Tây là nút giao Minh Khai, nút giao Hạ Long Xanh, đường Cái Mắm - Đồng Đăng; cực tăng trưởng phía Nam là chuỗi các dự án đô thị, đường giao thông đối nội nằm trong hành lang ven Vịnh Hạ Long...

Tại công trường cầu Cửa Lục 1 và cầu Cửa Lục 3, không khí thi công hiện hết sức sôi động, gần 500 cán bộ, công nhân chia thành 4 kíp, tổ chức thi công liên tục trong 3 ca, với quyết tâm rút ngắn tiến độ trước 1 tháng. Trong đó, cầu Cửa Lục 1 là cầu 6 làn xe đầu tiên ở Quảng Ninh, đến nay đã tiến hành hợp long nhịp chính dài 90m; hệ vòm ống thép nhồi bê tông đã gia công xong phần sắt. Công trình đang phấn đấu về đích vào tháng 11/2021. Cầu Cửa Lục 3 đến nay đã xong phần hạ bộ và cơ bản xong thân trụ chính giữa sông. Nhà thầu hiện đang tập trung thi công đà giáo để tổ chức đúc dầm mặt cầu. Theo kế hoạch, cả 2 cầu đều sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021, có vai trò đặc biệt quan trọng, đáp ứng nhu cầu kết nối nhanh, phục vụ nhân dân các phường, xã phía Bắc và Nam thành phố, giải quyết được vấn đề điều kiện đi lại, môi trường tự nhiên vốn đã là thách thức từ nhiều năm nay của cả 2 khu vực. Đồng thời, là động lực để khai thác lợi thế về đất đai khu vực vịnh Cửa Lục, để vịnh trở thành trung tâm kết nối, phù hợp định hướng phát triển đô thị theo hành lang ven biển Vịnh Hạ Long.

Cùng nhịp tăng tốc, tại cực tăng trưởng phía Đông, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả được mong chờ là trục cảnh quan mới của tỉnh khi đóng vai trò kết nối 2 đô thị lớn là Hạ Long và Cẩm Phả, kết nối 2 di sản là Vịnh Hạ Long (Di sản thiên nhiên thế giới) và Vịnh Bái Tử Long (Vườn di sản ASEAN) cũng đang khẩn trương trong giai đoạn nước rút với quyết tâm hoàn thành vào cuối năm 2021. Hiện hầm xuyên núi đã thông kỹ thuật toàn bộ cả 2 nhánh, rút ngắn thời gian theo dự kiến gần một tháng. Song song với đó, nền đường cũng đã cơ bản hoàn thành thi công các hạng mục chính.

Thi công hầm xuyên núi đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.

Đối với các dự án đối nội như cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố nhánh Cột 3, 5, 8 (các phường Hồng Hải, Hồng Hà); cải tạo, chỉnh trang đường Lê Lợi (phường Yết Kiêu); xây dựng vỉa hè dành cho người đi bộ tại các đường nhánh lên Bãi Cháy; cải tạo, chỉnh trang đường Ba Lan (phường Giếng Đáy); cải tạo, chỉnh trang trục đường EC (phường Hùng Thắng)… đang được gấp rút hoàn thành. Các công trình, dự án hứa hẹn tạo sự đột phá về hạ tầng đô thị, liên kết các tuyến trục chính của thành phố với các trung tâm hành chính, thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng, các cảng biển, KCN… góp phần chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, thiết lập trật tự an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển KT-XH ở địa phương.

Dự kiến trong tháng 10, dự án Hạ Long Xanh sẽ bắt đầu khởi công tại cực tăng trưởng phía Tây thành phố, bên cạnh việc hoàn thành tuyến đường 10 làn xe, nút giao Minh Khai hồi đầu năm 2021, TP Hạ Long đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai nhanh nút giao Hạ Long Xanh, đường Cái Mắm - Đồng Đăng, để kết nối thuận lợi TP Hạ Long với KKT Ven biển Quảng Yên và các địa phương phía Tây của tỉnh như Uông Bí, Đông Triều; khai thác hiệu quả các dự án giao thông đã đầu tư như các tuyến cao tốc, tỉnh lộ và giao thông đối ngoại với TP Hải Phòng, các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh qua khu vực này.

Có thể thấy, TP Hạ Long đang sở hữu khá đồng bộ hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông mới tiếp tục được lựa chọn, phân kỳ đầu tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng kịp thời kế hoạch phát triển của thành phố theo từng giai đoạn. Từ đây, sẽ góp phần tạo nên một diện mạo mới cho thành phố thủ phủ của tỉnh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả - an toàn; rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực; sớm hình thành nên các cực tăng trưởng theo quy hoạch./.

Đỗ Phương

Nguồn: Cổng TTĐT Quảng Ninh

Cùng chuyên mục