Quảng Ninh phát triển bền vững của du lịch
Thác Khe Vằn (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách.
Những năm gần đây một số địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng kết hợp du lịch nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh, sinh thái, cộng đồng, trải nghiệm, như: Làng quê Yên Đức (TX Đông Triều); chèo đò tham quan Vịnh Hạ Long; du lịch sinh thái cộng đồng đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn)…
Mặc dù du lịch cộng đồng nhận được sự quan tâm của chính quyền, người dân các địa phương và sự phối hợp tích cực từ du khách, song thực tế hiện nay chưa được khai thác, phát triển tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh các điểm mạnh và lợi thế nội sinh, thì hạn chế về hệ thống đường giao thông của một số huyện, thị xã chưa hoàn thiện, dẫn tới việc khó tiếp cận với điểm du lịch; điều kiện kinh tế - xã hội ở một số vùng sâu, vùng xa trong tỉnh còn khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân chưa cao, nên việc đầu tư khai thác các giá trị tài nguyên trên địa bàn để phát triển du lịch còn hạn chế… Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, như các điểm lưu trú, công trình dịch vụ chưa đảm bảo về chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp, nên chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Anh Hoàng Văn Sằn, chủ Homstay Hoàng Sằn (huyện Bình Liêu), cho biết: Du lịch cộng đồng ở Bình Liêu có nhiều thế mạnh để phát triển. Khi lượng khách du lịch đến với Bình Liêu ngày một đông, một số hộ đã đầu tư xây dựng homestay làm dịch vụ lưu trú, ăn uống cho khách, nhưng mới chỉ dừng lại ở đó, mà chưa đưa được các sản phẩm văn hóa, ẩm thực đặc sắc vùng miền để phục vụ du khách. Homestay Hoàng Sằn tối đa phục vụ 60 người/ngày. Khách liên hệ với homestay được tư vấn miễn phí về các điểm, tuyến di chuyển. Homestay Hoàng Sằn còn cung cấp các dịch vụ ăn uống với các món đặc sản Bình Liêu; hỗ trợ hướng dẫn viên tại điểm; cho thuê xe máy, lều trại; tổ chức các chương trình lửa trại… Khó khăn lớn nhất đối với homestay là vốn để nâng cấp, cải tạo, mở rộng homestay nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch... Hy vọng tới đây tỉnh có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, từ đó khuyến khích người dân đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng, dần dần hình thành chuỗi dịch vụ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu và có nhiều sự lựa chọn sử dụng dịch vụ cho du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương…
Nhằm đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch cộng đồng của Vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, hình thành và xây dựng thành thương hiệu mạnh; phát triển du lịch cộng đồng theo hướng đa dạng và chuyên nghiệp có những sản phẩm đặc thù, đặc trưng riêng…, trở thành nền tảng hỗ trợ thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội và các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, tỉnh đang xây dựng những chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Từ nay đến năm 2022, tỉnh dự tính xây dựng 3 mô hình thí điểm về du lịch cộng đồng gồm: Khu bảo tồn văn hóa người Dao ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ); làng văn hóa dân tộc Tày thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu) và điểm du lịch cộng đồng nông nghiệp xã Tiền An (TX Quảng Yên). Giai đoạn 2023-2025, sẽ xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng khác có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững; dựa trên giá trị văn hóa bản địa vùng miền núi, sinh thái khu vực ven biển; kết hợp du lịch nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái...
Với mục tiêu năm 2025 Quảng Ninh đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và 1,1 triệu lượt khách quốc tế; năm 2030 đón 3 triệu lượt khách nội địa và 1,8 triệu lượt khách quốc tế tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, vì vậy rất cần tăng cường đầu tư, phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng.