Quảng Ninh: Phát triển du lịch nông thôn
Du khách trải nghiệm tại Homestay Pạc Sủi (huyện Tiên Yên).
Nằm cách trung tâm của huyện Tiên Yên không xa, thác Pạc Sủi (xã Yên Than) với 10 tầng thác tung bọt trắng xóa đã trở thành một địa điểm du lịch khám phá yêu thích của du khách trong và ngoài tỉnh. Thác Pạc Sủi đổ theo triền núi Ngàu Vố Lẻng (đỉnh Trâu Đằm) có độ cao gần 700m với 16 tầng thác nước réo rắt, như những mái tóc tiên nữ quyến rũ lòng người, mời gọi những chuyến du lịch khám phá mạo hiểm... Mỗi tầng thác có một vẻ đẹp khác nhau, chỗ thì uốn quanh như dải lụa qua các vách đá, chỗ thì tạo thành vũng rộng nước trong vắt. Ở đây còn giữ trên 291ha rừng tự nhiên đã được giao cho các hộ dân thôn Pạc Sủi quản lý, chăm sóc, bảo vệ. Cảnh quan nơi đây gắn liền với không gian văn hóa của 39 hộ dân tộc Dao Thanh Phán.
Nhằm khai thác tiềm năng của du lịch, năm 2021 HTX Chế biến và tiêu thụ nông sản Tiên Yên đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất Homestay Pạc Sủi phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, mang đậm bản sắc dân tộc. Bên cạnh dịch vụ ăn uống, vui chơi, HTX còn cung cấp dịch vụ trải nghiệm làm cô gái dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ…; liên kết với các hộ dân thu mua, chế biến, quảng bá nông sản địa phương tại Homestay.
Ông Nguyễn Trung (du khách tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: "Tới thác Pạc Sủi, chúng tôi không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, mà còn có các dịch vụ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa của người dân nơi đây, thưởng thức các món ăn đặc sắc. Chúng tôi sẽ tiếp tục quay trở lại thác Pạc Sủi vào mùa hè năm nay".
Vườn cam 68 (thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn) là một trong điểm đến hấp dẫn du khách.
Khai thác thế mạnh của vùng trồng cam, những năm gần đây, huyện Vân Đồn là điểm đến hấp dẫn du khách mong muốn trải nghiệm du lịch sinh thái. Với hơn 11ha trồng cam, trong đó có nhiều cây cổ thụ đẹp mắt, Vườn cam 68 của anh Trần Văn Hậu (thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên) đón lượng lớn khách đến tham quan, trải nghiệm, vui chơi. Tại đây du khách có thể tự tay hái quả, check-in, đến bữa thì ngồi ngay dưới gốc cam, cùng nhau thưởng thức món gà nướng do chính người dân nơi đây cung cấp; khi về thì mua làm quà...
Anh Hậu cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, năm 2021 anh đầu tư cải tạo lại Vườn cam trở thành điểm du lịch. Trong đó, quy hoạch lại vườn, bố trí các khu vực chụp ảnh, xây dựng thêm nhà sàn phục vụ ăn uống… Vào mùa cam, vườn đón khoảng 500 khách/ngày. Mô hình du lịch sinh thái giúp tăng thu nhập cho gia đình, giải quyết việc làm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Anh đang nghiên cứu tiếp tục đầu tư cung cấp thêm một số dịch vụ cho du khách như: Câu cá, cắm trại…, đưa vườn thành điểm đến hấp dẫn.
Du khách trải nghiệm tại Kỳ Thượng Am Váp Farm (thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long) (Ảnh: Fanpage Kỳ Thượng Am Váp Farm)
Huyện Bình Liêu đang tích cực phát triển du lịch nông nghiệp gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; qua đó đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân. Đầu tháng 3/2023, huyện đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện. Theo đó, huyện phấn đấu đến năm 2025 thu hút trên 500.000 lượt khách, doanh thu trên 450 tỷ đồng, trên 3.500 lao động trực tiếp liên quan đến du lịch. Huyện sẽ hoàn thiện 9 điểm du lịch cộng đồng, du lịch bản, du lịch sinh thái và 7 điểm tham quan trên địa bàn. Đồng thời, triển khai đón khách tại 3 điểm du lịch cộng đồng đại diện cho 3 dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Trên cơ sở đó, huyện sẽ xây dựng các tuyến du lịch nội vùng, ngoại vùng, quốc tế.
Du lịch nông thôn là một trong những sản phẩm hấp dẫn, mang đậm nét văn hóa, đặc trưng của vùng đất Quảng Ninh. Phát triển loại hình du lịch này không chỉ tăng thu nhập cho người dân, mà còn góp phần xây dựng các vùng nông thôn hiện đại, văn minh, hạnh phúc.
Hạ An