Tin tức - Sự kiện

Quyết liệt thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025

Cập nhật: 20/03/2025 14:18:52
Số lần đọc: 101
(TITC) - Ngày 10/3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Thác Bản Giốc, Cao Bằng. Ảnh: Thế Phi

Tăng cường về nhận thức, kiên trì về mục tiêu, quyết liệt trong hành động, sáng tạo trong triển khai, hiệu quả trong điều hành

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; nhiều yếu tố mới nảy sinh, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới tiếp tục gia tăng; một số nước thay đổi chính sách kinh tế, thương mại, thuế quan, tác động nhanh chóng, mạnh mẽ, sâu sắc, nhiều chiều đến kinh tế, đầu tư và thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đột phá, chủ động, tích cực triển khai nhiều nhóm biện pháp thúc đẩy quan hệ ngoại giao, chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác, nhất là các nước lớn. Đồng thời, tổ chức 08 hội nghị với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong quý I năm 2025, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, ASEAN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đề ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8% trong năm 2025 và phấn đấu hai con số trong những năm tới.

Để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, đề cao trách nhiệm thực thi, quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần “coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ, quyết đoán, kịp thời”, “tăng cường về nhận thức, kiên trì về mục tiêu, quyết liệt trong hành động, sáng tạo trong triển khai, hiệu quả trong điều hành”.

Quyết tâm phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% GDP trong năm 2025

Mục tiêu đặt ra là ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu 2 con số trong những năm tiếp theo, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội; giữ gìn môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, minh bạch, thông thoáng, hấp dẫn, khả năng tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo của nền kinh tế để thích ứng linh hoạt, hiệu quả trước những biến động của tình hình thế giới, khu vực; đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm và chuỗi cung ứng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để đa dạng hóa động lực cho phát triển.

Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống, các nước Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện; có giải pháp chủ động, hiệu quả cân bằng thương mại với các đối tác thương mại lớn, thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại, hiệp định bảo hộ đầu tư, góp phần tạo lập, củng cố và thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư ổn định, bền vững, lâu dài giữa Việt Nam và các nước.

Tăng cường hợp tác tạo thuận lợi phát triển kinh tế, thương mại, thúc đẩy chuyển đổi số

Để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động tập trung quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để khẩn trương tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả  một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với tinh thần rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp chính trị - ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính - ngân hàng, quốc phòng - an ninh nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và tăng cường quan hệ tốt đẹp với các nước, nhất là các nước lớn, các nước Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở tin cậy, chân thành, hài hòa lợi ích; tập trung chủ động, khẩn trương thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, các hình thức giao lưu, tiếp xúc đa dạng, linh hoạt ở tất cả các cấp, các kênh; tạo môi trường thuận lợi cho tăng cường hợp tác hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan: Khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch hành động về cân bằng thương mại hài hòa, bền vững với các đối tác lớn, trong đó lưu ý tính chất bổ sung trong cơ cấu thương mại giữa Việt Nam với các nước thay vì cạnh tranh trực tiếp. Tiếp tục khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, thúc đẩy xúc tiến thương mại; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thúc đẩy ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng (Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Á, Ấn Độ, Brazil...). Tiếp tục vận động, thúc đẩy các nước sớm dỡ bỏ các hạn chế, kiểm soát về xuất khẩu công nghệ cao; công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Nâng cao năng lực, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm giảm thiểu tác động từ các dòng đầu tư bên ngoài có dấu hiệu không lành mạnh, lẩn tránh thuế quan có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của nước ta; tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; bảo vệ và thực hiện nghiêm bảo vệ sở hữu trí tuệ, không vi phạm bản quyền. Chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, thích ứng với các rào cản kỹ thuật mới của các đối tác xuất khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát các sắc thuế đang áp dụng với các nước, nhất là các nước có quan hệ Đối tác chiến lược/Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, trong đó có Hoa Kỳ trên tinh thần đảm bảo hài hòa, cân bằng lợi ích. Tiếp tục nhân rộng và phát huy cơ chế Tổ công tác làm việc với các nhà đầu tư chiến lược, nghiên cứu thực hiện hiệu quả phát triển “Cổng một cửa đầu tư quốc gia”.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xây dựng các phương án, biện pháp phù hợp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp tác với các đối tác trong thanh toán, tiền tệ; áp dụng các biện pháp cân bằng, hợp lý, hài hòa.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ động xây dựng Đề án hợp tác về các lĩnh vực tiềm năng như khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, nông nghiệp... với các đối tác; thúc đẩy mở cửa hơn nữa thị trường của nhau cho các mặt hàng hai bên có thế mạnh, nhu cầu, đáp ứng lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của các bên.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao bám sát chủ trương, đường lối, chính sách tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với các đối tác lớn, Đối tác chiến lược toàn diện có trình độ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số phát triển, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật...; kịp thời xử lý các quan tâm của phía đối tác liên quan đến thực thi pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung giải quyết hiệu quả các chương trình, dự án còn khó khăn, vướng mắc với các đối tác, nhất là các chương trình, dự án lớn phía đối tác đang đặc biệt quan tâm và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài mở rộng đầu tư, chuyển dịch và duy trì chuỗi cung ứng tại Việt Nam, thúc đẩy sự tham gia ngày càng sâu của các doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Mở rộng chính sách về thị thực, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh

Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung giải quyết dứt điểm quan tâm của các đối tác về giấy phép lao động, thị thực, trong đó: Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an khẩn trương rà soát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung các trường hợp được áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương trên cơ sở yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đồng thời đẩy nhanh đàm phán miễn thị thực song phương đã thống nhất với các đối tác; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2025.

Bộ Công an chủ trì rà soát, tổng hợp các chính sách ưu đãi về thị thực của Việt Nam đối với từng đối tượng (khách du lịch, chuyên gia, tỷ phú, nhà khoa học, các nhân vật nổi tiếng, các nghệ sỹ, vận động viên thể thao tài năng...); bao gồm các cơ chế xem xét cấp thẻ tạm trú, thị thực điện tử, mua thẻ cư trú..., đề xuất giải pháp cải tiến và thực hiện hiệu quả các chính sách này theo hướng tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính, trong đó có việc nâng cấp hệ thống e-visa theo hướng ngày càng thuận lợi, dễ tiếp cận, đơn giản, thông thoáng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2025.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 và Nghị định 70/2023/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2023 và các quy định khác (nếu có) liên quan đến cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, đề xuất sửa đổi theo hướng tạo điều kiện miễn giấy phép lao động hoặc rút gọn thủ tục cấp giấy phép lao động cho các đối tượng thuộc lĩnh vực cần ưu tiên, tranh thủ, bảo đảm thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi, thông thoáng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2025.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền ở trong nước và quốc tế

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác với các đối tác, nhất là các nước lớn, các Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện; tăng cường tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông theo chuyên đề về những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, cách mạng về cải cách bộ máy, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...; các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước (các thành tựu về ngoại giao, kinh tế; các chương trình an sinh xã hội như xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhà ở xã hội cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...) để tăng cường hiểu biết, củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 20/3/2025

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT