Hành trang lữ khách

Ráng chiều Đá Bạc (Thừa Thiên Huế)

Cập nhật: 27/07/2020 10:31:20
Số lần đọc: 1112
Khi cuối tầm mắt hiện lên một đoạn đèo uốn cong nâng độ cao đột ngột, người chạy xe vừa nhấn ga vừa canh chừng hai bên rồi quyết đoán leo dốc. Vừa lúc qua khỏi đỉnh Mũi Né, tầm mắt chợt bung ra bởi cảnh sắc thiên nhiên bên dưới.

Cả một vùng đầm phá Cầu Hai thênh thang rạng rỡ với ráng chiều ửng hồng như má thời thiếu nữ e thẹn. Ánh bạc lấp lánh trên mặt nước đầm phá. Đá Bạc! Sau chặng dài rong ruổi tê chân, những người ra Huế bằng xe máy có vài phút duỗi ra thư giãn. Để sống chậm trong cảm xúc Đá Bạc hoàng hôn.

Từ Đà Nẵng ra Huế, điểm dừng chân ngay mỏm đá dưới chân đèo Mũi Né lúc ráng chiều trải dài xuống đầm thật êm ái. Từ đây về Huế chẳng còn bao xa, đã đi được gần hai phần ba chặng đường trăm cây số rồi. Đi ô tô không cảm nhận được sự thư thái bên đầm của người đi xe máy. Họ vốn mang trong mình phẩm chất “phượt thủ” của gã trẻ trai ưa tự do, mạo hiểm. Cũng có thể họ không còn lựa chọn nào khác để di chuyển, đi xe máy ra vô rồi leo đèo Hải Vân là giải pháp tiết kiệm tiền bạc nhất. Cho nên, khi đã gần như ra tới Huế rồi thì phút tĩnh lặng dù chỉ dăm ba phút cũng đáng để nhớ đời. Cởi mũ, tháo giày, đặt bàn chân lên đá. Hơi nóng hâm hấp từ dưới truyền cái hồn sự sống được thu gom, tích lũy suốt cả ngày.

Cuối ngày hè bỏng rát, hơi ấm mỏm đá vùng Đá Bạc như để dành cho người biết nghỉ chân. Hít một hơi thật sâu, đưa mùi vị mằn mặn vào sâu nơi cuống họng, mắt người khẽ nhắm trong giây lát rồi nhẹ nhàng mở ra để ráng chiều trên đầm Cầu Hai lọt hoàn toàn vào tầng sâu cảm xúc. Chừng  dăm ba phút nghỉ ngơi nơi đây tưởng chừng ngắn ngủi nhưng lại sản sinh sự nhớ nhung kéo dài suốt chặng đường lên Huế và còn kéo dài đến một tuần sau, khi chiều cuối tuần bánh xe cuộc sống lại đưa bạn dừng chân chốn cũ. Đá Bạc khi ráng chiều dát gam hồng lên mặt nước đầm phá là sự trả ơn cho lữ khách vất vả xây đắp cuộc sống suốt 7 ngày qua.

Khi dừng chân trên mỏm đá Đá Bạc ven đầm Cầu Hai, tôi thường nhớ ngay bài chầu văn Huế với tựa đề “Anh ra viếng cảnh thăm người”. Bài ca với giai điệu chầu văn tươi vui miêu tả tình cảm rộn ràng của một người trai miền trong ra thăm Cố Đô. Khi qua khỏi đèo đổ xuống vùng Đá Bạc, người con trai được cô gái Huế mời thưởng thức món cá ngon của đầm Cầu Hai (“cá ngon là cá Cầu Hai” - lời bài chầu văn Huế). Cá ngon Cầu Hai ắt hẳn là cá đối. Loại cá nước lợ này có vị thịt ngọt, béo nhờ ăn những loại rong tảo và thủy sinh đặc hữu của đầm Cầu Hai.

Một đôi lần khi dừng chân trên mỏm đá này tôi được chứng kiến cách câu cá đối gia truyền rất thú vị của ông Tạch - một người dân Đá Bạc chính hiệu. Câu cá mà không cần lưỡi câu! Người câu chỉ cần buộc vào đầu dây một cái chai nhựa cắt rộng miệng, gắn ít mồi vào cục đá tạo sức nặng đè cái chai xuống nước. Lát sau, con cá đối chui từ trong khe đá ra, bơi vào chai ăn mồi và mắc kẹt trong đó. Người bên trên chỉ cần nhẹ nhàng kéo lên là có ngay con cá đối béo ngậy. Ông Tạch có đem theo đầy đủ bếp ga, gia vị nên chế biến món cá đối kho tiêu ớt ngay tại chỗ, rồi mời tôi nếm thử.

“Cá ngon Cầu Hai” đây rồi! Con cá đối tươi, cay, thơm nồng, ăn với nước mắm ruốc ngon vô cùng! Toàn bộ giác quan được đánh thức ngay từ miếng cá chấm nước mắm đầu tiên. Không dùng từ nào để tả được vị ngọt, béo, bùi, cay, mặn quyện lại thấm xuống kẽ răng. Nhắm mắt mà phê! Cá đối ngon không chỉ ở thịt cá mà cả đầu cá. Dạ dày cá đối cũng béo ngậy, đăng đắng, ăn và nhấm một chút rượu trắng thì không còn gì bằng. Giây phút được dừng chân dưới đèo sau một chặng đường dài rồi ăn món cá đối Cầu Hai là diễm phúc không dễ lặp lại trong cuộc di chuyển mưu sinh bất tận của đời người. Phút giây tự chiêm nghiệm bản thân trên mỏm đá vùng Đá Bạc để hòa lẫn trong không gian bất tận khi ráng chiều hồng cũng là để tự thưởng cho bản thân theo cách đơn giản nhất. Để đè nén xuống hay xóa bay biến luôn càng tốt những bão tố suy tư, tham vọng viễn vông trong ý nghĩ.

Chỉ lúc này thôi. Lúc ráng chiều này. Là quá đủ để chữa lành thân tâm. Như hình ảnh ông Tạch nhẫn nại câu cá đối trên mỏm đá Đá Bạc cũng là phiên bản của Thiền hành, bởi ông không bao giờ câu cá đối hai ngày liên tiếp trên cùng một mỏm đá. Ông cho biết làm như thế để giữ gìn đa dạng sinh học, đánh bắt “của trời cho” phải biết điểm dừng và để dành cho những lần câu khác. Lần sau tôi đến Đá Bạc, không gặp người câu cá đối ngày trước nữa. Có lẽ ông đã đi câu ở bãi khác. Bên dưới hốc đá, hàng đàn cá đối bơi tung tăng. Kích thước cá nhỏ hơn con cá ông Tạch câu trước đây. Bây giờ tôi mới hiểu được cái thâm ý của người đánh bắt thủy sản có tâm ấy. Nếu để lòng tham lấn át, ắt hẳn hệ sinh thái ở đầm Cầu Hai này bị suy kiệt nhanh chóng rồi.

Hồi đầu tháng Sáu vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền. Ước mong một ngày nào đó Khu bảo tồn thiên nhiên đó sẽ kéo dài đến vùng Đá Bạc này để bảo vệ những bãi đẻ cá đối, cá dìa, tôm nước lợ và ngăn chặn những hoạt động khai thác hủy diệt trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Trên mỏm đá Đá Bạc nóng hôi hổi hoàng hôn này, tôi đưa tầm mắt qua bên kia bờ, nhìn thấy cả một dải đất an lành ven đầm phá. Hàng trăm năm qua, người dân ven đầm Cầu Hai sống đắp đổi qua ngày nhờ vào nguồn lợi thủy sản của đầm thì giờ đây họ xứng đáng được làm giàu bằng chính nguồn lợi đó. Họ đang cần một sự trợ giúp quy hoạch hoạt động khai thác và bảo tồn các nguồn gen thủy sinh quý hiếm không nơi nào có được. Cũng chính nơi đây, tiềm năng du lịch to lớn đang chờ đợi một chiến lược bài bản nhằm hình thành tour lữ hành khái quát hết những đặc điểm diệu kỳ của hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á.

Đến một ngày hè, người bạn giáo viên rủ nhóm chạy bộ chúng tôi từ Huế về chạy cung đường tuyệt đẹp ven đầm Cầu Hai. Từ bên kia nhìn về phía mỏm đá Đá Bạc nơi tôi thường dừng chân chiều cuối tuần, có dáng hình ai đó như ông Tạch đang câu cá đối. Cái lưng khòm khòm đó không lẫn vào đâu được. Ông đã trở lại Đá Bạc rồi. Như vậy, đàn cá đối đã đủ lớn để khai thác lại. Ông Tạch sẽ kiên nhẫn đứng đó cho đến khi ráng chiều hắt xuống vùng Đá Bạc. “Cá ngon là cá Cầu Hai”! Dấu chân của bao nhiêu người tiếp tục hằn thành vết lên từng ấy mỏm đá, trong khi mắt nhìn xa xăm trong cảnh chiều sóng nước đậm màu. Bên tai văng vẳng câu ca xưa dự đoán về tương lai rộn rã của vùng Đá Bạc - Cầu Hai./.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục