Hoạt động của ngành

Sơn Động (Bắc Giang) - Khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Cập nhật: 23/04/2019 09:36:42
Số lần đọc: 915
  Với lợi thế hệ sinh thái rừng phong phú, nhiều điểm di tích lịch sử, nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc... huyện Sơn Động đã có nhiều giải pháp khai thác tiềm năng hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng về tâm linh, nghỉ dưỡng, khám phá gắn với cộng đồng.

Phát huy lợi thế 

Trên địa bàn huyện Sơn Động có nhiều đồng bào dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc mang nét văn hóa riêng. Dân tộc Tày có nghệ thuật hát Then - đàn tính; đồng bào Dao có tục cấp sắc; dân tộc Nùng có hát Soong hao; dân tộc Cao Lan hát Sình ca... 

Huyện còn có hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng với điểm nhấn là Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử rộng hơn 17 nghìn ha với những cánh rừng nguyên sinh trùng điệp. Trong vùng lõi Khu bảo tồn có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, vẻ đẹp độc đáo, không gian xanh trong lành hấp dẫn du khách như Đồng Thông, Khe Rỗ, Khe Đin, Khe nước Vàng...  

Với những lợi thế đó, từ năm 2011, UBND huyện Sơn Động đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch huyện với sự tham gia của các phòng, ban, ngành và UBND các xã có tiềm năng phát triển du lịch như: An Lạc, Vân Sơn, Thạch Sơn, Tuấn Mậu, Long Sơn... 

Huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ngành liên quan khảo sát, quy hoạch các điểm phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, cộng đồng trên địa bàn. Năm 2014, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch sinh thái rừng Khe Rỗ, chấp thuận cho Công ty cổ phần Du lịch Đường Việt (Hà Nội) đầu tư, triển khai dự án. Hiện nay, doanh nghiệp đang xây dựng các hạng mục công trình theo hồ sơ được duyệt.

Với tầm vóc là khu du lịch trọng điểm của tỉnh, từ năm 2014 đến nay, dự án xây dựng Khu du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, xã Tuấn Mậu (Sơn Động) được Công ty cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử đẩy nhanh tiến độ xây dựng chùa Trình, chùa Hạ, chùa Thượng, bãi giữ xe, nhà khách, trạm cấp nước, đường điện... bằng nguồn vốn xã hội hóa. Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm (Quảng Ninh) đã thiết kế, chuẩn bị khởi công đường cáp treo vận chuyển du khách từ sườn Tây lên chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử. 

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Khu du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử sẽ được hoàn thiện với tổng vốn đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng. Đây sẽ là nơi trưng bày, bảo tồn các loại động, thực vật quý; giới thiệu danh lam thắng cảnh khu vực Tây Yên Tử. Cùng với đó là dịch vụ khách sạn phục vụ lưu trú, hội nghị… Đưa Tây Yên Tử trở thành điểm đến hấp dẫn, kết nối khách du lịch theo tour khép kín từ Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh đến Sơn Động.   

Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Để thúc đẩy phát triển du lịch, những năm qua, UBND huyện Sơn Động còn quan tâm đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xã có tiềm năng. Trong đó có tuyến đường 5 km nối quốc lộ 279 vào Khu du lịch sinh thái rừng Khe Rỗ; nâng cấp hơn 30 km đường huyện từ xã Cẩm Đàn đi các xã Thạch Sơn, Vân Sơn; các công trình cấp điện lưới quốc gia, phủ sóng viễn thông vào vùng có điểm du lịch đã được quan tâm, triển khai hiệu quả. Việc mở lớp dạy chữ viết cho người dân tộc Dao, truyền dạy nghề thêu ren truyền thống, dạy hát Then, hát Soong hao, Sình ca đã được thực hiện tại các xã Vân Sơn, An Lạc, Hữu Sản, Vĩnh Khương, Cẩm Đàn, Chiên Sơn, Giáo Liêm.../.

Nguồn: dulichbacgiang.gov.vn
Từ khóa: Bắc Giang

Cùng chuyên mục