Hoạt động của ngành

Khám phá vùng đất Yên Dũng (Bắc Giang)

Cập nhật: 22/04/2019 15:16:50
Số lần đọc: 1350
Trên khắp các làng quê Yên Dũng (Bắc Giang), đến bất kỳ nơi nào ta cũng bắt gặp những ngôi chùa thờ Phật. Giáo lý, tư tưởng Phật giáo đã ngấm sâu, bền rễ trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây từ thuở xa xưa…

Qua dấu tích vật chất để lại cùng truyền thuyết dân gian ở địa phương, các nhà khoa học đã khẳng định đạo Phật du nhập vào Bắc Giang từ thời Bắc thuộc. Hiện nay đã phát hiện dấu vết chùa, am thời Bắc thuộc ở di tích chùa Dâu dưới chân núi Nham Biền thuộc địa phận xã Nội Hoàng (Yên Dũng).

Chùa Dâu hay chùa Bụt Mọc nằm dưới chân núi Nham Biền thuộc thôn Tiên Phong, xã Nội Hoàng. Đây là ngôi chùa cổ ít thấy ở Bắc Giang gắn với tín ngưỡng thờ đá, câu chuyện dân gian sự tích chùa Bụt Mọc nói lên ý nghĩa của tục thờ đá đặc sắc. Ngày xưa, trong làng Nội Mang (Nội Hoàng) có người làm nghề đánh dậm bắt cá. Mỗi lần anh đi đánh dậm không thấy cá đâu chỉ thấy được một tảng đá trong dậm. Nhiều lần như vậy thấy làm lạ, người đánh cá kia bèn đem tảng đá đó lên núi chôn và "khấn tảng đá phù hộ" cho đánh được nhiều cá, quả nhiên từ đó ngày nào anh ta cũng đánh được nhiều cá.

Có điều tuổi đã cao mà anh vẫn không có con, thường ngày anh hay lên chỗ tảng đá kể lể sự tình và khấn cầu hòn đá cho xin đứa con nối dõi. Sau đó, vợ chồng anh có con trai. Thấy hòn đá linh nghiệm, vốn không hiểu biết lại tưởng rằng "tà ma" nên hai vợ chồng bèn đào hòn đá vứt đi, hôm sau lên núi lại thấy hòn đá mọc lên như cũ. Hai vợ chồng sợ hãi xin xưng tội, dựng chùa ngày đêm cầu khấn thờ phụng. Dần dần nhiều người qua lại lễ bái cầu việc gì cũng hiển ứng, đặc biệt là cầu con.

Qua sự tích chùa Dâu cho thấy tín ngưỡng thờ đá ở Nội Hoàng khá điển hình và gợi sự liên tưởng tới tín ngưỡng thờ đá ở chùa Dâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Văn Lạng cho rằng sự có mặt chùa Dâu ở Nội Hoàng đã chứng tỏ vùng đất này vào thời Hán (sau Công nguyên), sự du nhập đạo Phật theo mô tuýp đạo Phật du nhập vào Luy Lâu (Bắc Ninh) một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất Giao Châu thời Bắc thuộc.

Cùng với sự phát hiện nhiều mộ Hán trên đất Nội Hoàng, các nhà nghiên cứu cho rằng chùa Dâu là điểm phát tích, ghi dấu sự du nhập đạo Phật vào Việt Nam ngay từ thế kỷ đầu Công nguyên. Dấu ấn mang giá trị văn hóa Phật giáo thời Lý trên quê hương Yên Dũng không đậm nét nhưng theo nội dung văn bia công đức do nhà sư Thích Thanh Hanh soạn ở chùa Vĩnh Nghiêm cho biết: “Dấu tích đời Lý, Trần hãy còn rành rành…”. Dấu vết văn hóa Phật giáo thời Lý trên đất Yên Dũng còn lưu lại ở chùa Yên Tập Cao (xã Thắng Cương). 

Tượng con thú bằng đá xanh của ngôi chùa xưa còn sót lại chính là một hiện vật đặc trưng của ngôi chùa thời Lý khá rõ nét. Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông là vị tổ tái sáng lập và trao truyền ý tưởng cho đệ tử là Pháp Loa Đồng Kiên Cương mở mang chùa Vĩnh Nghiêm thành một “đại danh lam cổ tự”, sơn môn Phật giáo dưới thời Trần, trường thuyết pháp, bồi dưỡng, kiết hạ tăng đồ, trung tâm san khắc, ấn tống kinh sách nhà Phật của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử từ những năm đầu thế kỷ XIV. Từ đây, Phật phái Trúc Lâm ảnh hưởng, lan tỏa khắp các miền quê xứ Bắc và nhiều làng quê đất Yên Dũng. Chùa Kem (Sùng Nham tự), chùa Diễn Khánh, chùa Ảm (Tiền Phong), chùa Lao, chùa Tiên La (Đức Giang), chùa Âm Dương (Tân An), chùa Nham Nguyệt (Tân Liễu) từng là những danh lam cổ tự của dòng thiền Trúc Lâm…

Ngoài những “danh lam cổ tự”, các xóm làng Yên Dũng đều có chùa làng. Trên địa bàn huyện hiện nay có gần trăm ngôi chùa. Đánh giá được tiềm năng phát triển kinh tế du lịch trên dải Nham Biền, gần đây huyện Yên Dũng đã khảo sát, xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng nhằm tôn vinh giá trị văn hóa Phật giáo và tạo thêm một điểm nhấn cho việc phát triển du lịch trên địa bàn. Hy vọng với việc quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo, xây dựng quần thể di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm và Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách thập phương./.

Nguồn: baobacgiang.com.vn
Từ khóa: Bắc Giang

Cùng chuyên mục