Hoạt động của ngành

Huế lắp mới hệ thống chiếu sáng nghệ thuật trên cầu Trường Tiền

Cập nhật: 19/04/2019 08:02:04
Số lần đọc: 1290
  Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế cho biết, từ ngày 21/4 tới, thành phố Huế đưa hệ thống chiếu sáng nghệ thuật cầu Trường Tiền vào hoạt động, phục vụ Festival Nghề truyền thống Huế 2019 (diễn ra từ 26/4-2/5 tới).


(Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Công trình có vốn đầu tư 10 tỷ đồng, thay thế cho hệ thống chiếu sáng cũ lắp đặt cách đây 17 năm, nay đã xuống cấp.

Hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật mới này có nhiều ưu việt so với trước. Cụ thể, toàn hệ thống gồm 210 bộ đèn Led đổi màu, chiếu sáng toàn bộ cầu (kể cả trụ cầu) nhập khẩu từ hãng Studio Due-Italy.

Đèn được điều khiển lập trình trên máy tính, có khả năng tạo ra tất cả mọi hiệu ứng về màu sắc và cường độ sáng phụ thuộc vào thiết kế chương trình trình chiếu. Màu sắc, tốc độ chuyển màu đồng đều và chuẩn hơn so với đèn cũ. Do sử dụng đèn Led nên tuổi thọ đèn rất cao, công suất chỉ 90W (so với loại đèn thế hệ trước 150W), tiết kiệm điện. Ngoài ra, đèn có chuẩn chống nước cao, kích thước nhỏ gọn, ít ảnh hưởng đến mỹ quan của cầu.

Trước đó, từ Festival Huế năm 2002, cầu Trường Tiền được lắp đặt một hệ thống chiếu sáng đổi màu, điều khiển bằng phần mềm lập trình. Khi chiều buông cũng là cây cầu bắt đầu rực rỡ, huyền ảo trong ánh đèn màu, trở thành biểu tượng đẹp lãng mạn của đất cố đô, là một nét thơ xứ Huế.

Cầu Trường Tiền được xây dựng vào năm 1896, dưới thời vua Thành Thái, dài 400m, rộng 6m, có sáu nhịp, kết hợp với nhau theo hình vành lược. Đây là cây cầu mang biểu tượng của xứ Huế, bắc qua dòng sông Hương tồn tại hơn 100 năm.

Cũng như cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội, cầu Trường Tiền là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương ở Huế, ngay sát kinh thành. Đây cũng là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX theo kỹ thuật và vật liệu mới của phương Tây với kết cấu thép.

Năm 1937, dưới triều vua Bảo Đại, cầu Trường Tiền được trùng tu, cải tạo lớn. Cầu được mở rộng hành lang hai bên cho xe đạp và người đi bộ. Năm 1946, cầu bị sập hai phía tả ngạn do mìn trong chiến tranh chống thực dân Pháp.

Hai năm sau, cầu được tu sửa tạm để qua lại. Năm 1953, cầu được sửa chữa hoàn chỉnh như cũ. Trong sự kiện tổng tiến công mùa Xuân năm 1968, cầu Trường Tiền bị đổ gãy mất một nhịp.

Trong 5 năm (1991-1995), cầu tiếp tục được trùng tu, do Công ty Cầu 1 Thăng Long đảm nhiệm.

Lần trùng tu này có nhiều thay đổi quan trọng, đó là việc dỡ bỏ các ban công ở hành lang hai bên tại vị trí các trụ cầu; lòng cầu (cả đường chính và phụ) bị hẹp lại do phải nẹp thêm hai ống lan can (độ rộng lòng cầu của đường chính ở giữa từ 6,20m nay còn 5,40m); màu sơn ghi xám thay cho màu nguyên bản từ xưa của cầu là màu nhũ bạc; tấm biển đồng gắn ở đầu cầu ghi chữ “Cầu Tràng Tiền” thay cho “cầu Trường Tiền” gây nhiều tranh luận về sự thiếu thống nhất và tên gọi cây cầu.../.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục