Hoạt động của ngành

Sơn La: Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Thái ở Phù Yên

Cập nhật: 01/11/2024 14:46:38
Số lần đọc: 183
Đồng bào dân tộc Thái chiếm gần 28% dân số của huyện Phù Yên, với nhiều nét văn hóa đặc sắc được truyền qua nhiều đời; huyện đang tập trung nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào.


Nghệ nhân truyền dạy nghề kéo sợi, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái cho thế hệ trẻ huyện Phù Yên.

UBND huyện Phù Yên đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn sưu tầm tài liệu, khai thác thông tin từ những người cao tuổi ở các bản để phục dựng các lễ hội, nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào Thái, như: Tết Xíp xí; ẩm thực; đồ thổ cẩm; nghề mây tre đan; cùng với tiếng nói, chữ viết, gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Triển khai các phương án bảo tồn, phục dựng các lễ hội, nét văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một.

Ông Phan Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết: Huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin tham mưu xây dựng kế hoạch lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc của địa phương, trong đó có dân tộc Thái. Lấy văn hóa làm nền tảng trong xây dựng đời sống mới văn minh, hiện đại và phát triển kinh tế, xã hội.

Việc bảo tồn, gìn giữ các điệu múa, nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái được huyện Phù Yên chú trọng. Các xã, bản duy trì đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên luyện tập, giao lưu, trao đổi, biên đạo tiết mục mới, vừa lưu giữ nét văn hóa truyền thống vừa kết hợp với phong cách hiện đại, phù hợp với yêu cầu trong từng hội thi, hội diễn và biểu diễn phục vụ nhân dân trong các ngày lễ, tết.

Huy Thượng là một trong những xã có đông đồng bào dân tộc Thái, đội văn nghệ quần chúng của xã thường xuyên đoạt giải cao trong các đợt liên hoan, hội thi của huyện. Ông Cầm Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Xã đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng, duy trì 30 đội văn nghệ, thường xuyên luyện tập, phục vụ du khách. Vào các dịp lễ, tết, xã tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các bản, vừa tăng cường tinh thần đoàn kết và lưu giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Năm 2024, Nghi lễ “Tết Xíp xí của người Thái Trắng huyện Phù Yên và Quỳnh Nhai” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sản phẩm du lịch cho địa phương. Ngoài ra, trong tháng 6 vừa qua, huyện Phù Yên cũng đã tổ chức phục dựng lễ mừng cơm mới, là dịp để địa phương xây dựng, quảng bá du lịch, gắn với trải nghiệm văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đến du khách trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, việc lưu giữ, bảo tồn các nghề truyền thống được quan tâm. Huyện hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, tổ sản xuất duy trì nghề truyền thống, dạy nghề miễn phí cho đoàn viên, thanh niên. Gia đình bà Lò Thị Khướng, bản Búc, xã Quang Huy, một trong những hộ gia đình đang lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ngoài việc nhận may đo trang phục truyền thống cho khách đặt hàng, bà Phướng còn truyền nghề cho thế hệ trẻ. Bà Lò Thị Phướng chia sẻ: Tôi học nghề dệt vải từ năm lên 16 tuổi và đã duy trì nghề này trong 30 năm. Hiện nay, mỗi tháng tôi dệt được khoảng 35-40 cuộn vải theo đơn đặt hàng của khách, giá mỗi cuộn từ 700-900 nghìn đồng tùy vào loại vải. Bên cạnh đó, tôi đang truyền nghề và trả tiền công theo sản phẩm cho 3 người trong xã.

Với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, cùng sự đồng thuận của nhân dân, việc bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng các bào dân tộc trên địa bàn huyện Phù Yên nói chung, đồng bào Thái nói riêng, đã góp phần đưa các giá trị văn hóa trở thành động lực trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Khải Hoàn

Nguồn: Báo Sơn La - baosonla.org.vn - Đăng ngày 01/11/2024

Cùng chuyên mục