Hoạt động của ngành

Ninh Bình: Nâng tầm văn hóa ẩm thực để phát triển du lịch

Cập nhật: 05/11/2024 11:01:14
Số lần đọc: 173
Ninh Bình không chỉ sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc mà còn có nền ẩm thực đặc trưng, đa dạng với nhiều món ăn phong phú. Đây được xác định là một trong những thế mạnh để tỉnh phát triển du lịch ẩm thực vươn tầm khu vực.


Việc tổ chức các lễ hội ẩm thực, hội thi nấu ăn là một trong những cách quảng bá ẩm thực Ninh Bình. Ảnh: Minh Đường

Kho tàng ẩm thực dân gian phong phú

Ẩm thực Ninh Bình được biết đến với sự phong phú về số lượng và tinh tế, đa dạng trong từng khâu chế biến. Ngoài những món ăn đã làm nên thương hiệu thì ở mỗi vùng quê lại có những thức quà ngon nức tiếng, trở thành đặc sản quê hương. Tiêu biểu như Nho Quan nổi tiếng với các thức quà mang phong vị núi rừng như xôi trứng kiến, mật ong rừng, trà hoa vàng, rượu cần. Gia Viễn lại được biết đến với những món ăn của vùng đồng chiêm như ốc nhồi, cá nướng rơm, mắm tép. Huyện Yên Mô nổi tiếng với món giò trứng, bánh đúc, nem chua Yên Mạc, còn ở Yên Khánh có các loại bánh. Nếu như huyện Kim Sơn nổi tiếng với chạo chân giò, gỏi nhệch, bún mọc, rượu thì huyện Hoa Lư lại nổi tiếng với các món thịt dê, cơm cháy, cá tràu tiến vua, cá rô Tổng Trường. Cho đến nay, Ninh Bình có 3 sản phẩm được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là: Dê núi Trường Yên lọt Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam và cơm cháy, mắm tép Gia Viễn lọt Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam năm 2020 - 2021.

Theo thống kê của Sở Du lịch Ninh Bình, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 130 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; gần 900 cơ sở lưu trú du lịch có phục vụ dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn. Đội ngũ nhân lực phục vụ nhà hàng khoảng 15.000 lao động.

Đến hết tháng 8-2024, toàn tỉnh có 186 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong đó đa số là các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm và đồ uống, tiêu biểu có: Thịt chưng mắm tép, bột rau má, cơm cháy, ruốc cá rô Tổng Trường, trà sơn kim cúc, trà Vũ Gia, rượu vang đào... Trên địa bàn tỉnh có 3 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản là Làng nghề bún Yên Ninh, Làng nghề ẩm thực xóm Phong An, Làng nghề rượu Lai Thành. Ngoài ra, tại thành phố Ninh Bình nay đã hình thành những tuyến phố, con đường ẩm thực, thu hút nhiều thực khách gần xa như Phố 8, Phố ăn sáng Vân Giang hay Khu ẩm thực Phố cổ Hoa Lư...

Những tiềm năng trên là nguồn lực quan trọng để Ninh Bình đưa du lịch ẩm thực trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh để phát triển ngành công nghiệp không khói của tỉnh.

Nâng tầm tinh hoa ẩm thực Cố đô

Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế tiềm năng phong phú, việc phát triển du lịch ẩm thực tại Ninh Bình phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là chưa có chiến lược phát triển toàn diện, chưa tận dụng tối đa tiềm năng của các vùng địa phương; các nhà hàng phát triển mang tính tự phát, manh mún; hoạt động quảng bá du lịch ẩm thực chưa có sự đầu tư; thiếu hụt đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao; chưa có các sản phẩm du lịch ẩm thực độc đáo; chưa tích hợp được nguồn gốc, câu chuyện, ý nghĩa món ăn để tạo thành sức hấp dẫn đối với du khách.

Để tăng sức hấp dẫn cho du lịch ẩm thực Ninh Bình, theo TS Mai Thanh Sơn (Hội Dân tộc học và Nhân văn Việt Nam), Ninh Bình cần xác định các món ăn phản ánh tri thức riêng của địa phương, trên cơ sở đó tìm ra những món ăn mang thương hiệu ẩm thực riêng của tỉnh. Ngoài các món đã nổi tiếng như thịt dê, cơm cháy, Ninh Bình còn có bún mọc Kim Sơn, nem chua Yên Mạc, cá quả nấu ám Nho Quan... “Ninh Bình cần phát triển văn hóa ẩm thực du lịch trên cơ sở sáng tạo, không ngừng làm mới các tri thức sẵn có. Bên cạnh việc phát triển các đặc sản đắt tiền, cần tận dụng lợi thế về các món ăn bình dân để gia tăng mức chi tiêu của du khách. Nếu có chính sách phù hợp, việc xây dựng thương hiệu ẩm thực cho tỉnh không phải là quá khó, song cần có sự vào cuộc của đội ngũ đầu bếp cùng các chuyên gia, những người làm du lịch và cơ quan quản lý nhà nước” - TS Mai Thanh Sơn nói.

Đề cập đến việc cần nâng tầm cho ẩm thực bằng những câu chuyện, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, cần xây dựng mỗi món ăn là một câu chuyện để mang lại giá trị hồn cốt cho ẩm thực Ninh Bình. Đồng thời, cần hệ thống lại các món ăn truyền thống, từ đó phối hợp với các tổ chức ẩm thực trong nước và quốc tế để nâng tầm và đẩy mạnh quảng bá nghệ thuật ẩm thực cũng như giá trị điểm đến Ninh Bình. Ngoài ra, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân ẩm thực, xây dựng một trung tâm đào tạo đầu bếp quốc gia để truyền dạy các món ăn truyền thống cho các thế hệ và cung cấp đầu bếp đạt chuẩn cho các nhà hàng, khách sạn không chỉ ở địa phương mà cả trong và ngoài nước.

Xác định mục tiêu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong đó du lịch ẩm thực chiếm một vị trí quan trọng, Ninh Bình đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, thời gian tới, Sở Du lịch và Hiệp hội du lịch sẽ phối hợp với các cấp các ngành, các đơn vị liên quan tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển ẩm thực du lịch Ninh Bình; đồng thời nghiên cứu, triển khai việc công nhận, xếp hạng nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Định kỳ hằng năm, tỉnh sẽ tổ chức lễ hội hoặc liên hoan ẩm thực du lịch Ninh Bình, nghiên cứu bổ sung một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2023 - 2030 để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc nghiên cứu, phát triển ẩm thực mang dấu ấn văn hóa, lịch sử của tỉnh nhằm khuyến khích phát triển và đưa thương hiệu du lịch ẩm thực Ninh Bình lên một tầm cao mới, qua đó thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh nhiều hơn.

Cao Minh

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Đăng ngày 11/3/2024

Cùng chuyên mục