Hoạt động của ngành

Bảo vệ di sản đờn ca tài tử Nam Bộ tại Đồng Nai

Cập nhật: 04/11/2024 14:29:37
Số lần đọc: 173
Trong bối cảnh văn hóa đại chúng phát triển mạnh mẽ, với sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình giải trí hiện đại, nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp cận giới trẻ.


Ban Đờn, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai hòa đờn thể điệu Đảo ngũ cung đoạt huy chương vàng Hội diễn Tiếng hát miền Đông 2024. Ảnh: C.T.V

Bằng những nỗ lực bảo vệ di sản ĐCTT Nam Bộ của các cấp, các ngành và cộng đồng, ĐCTT tại Đồng Nai vẫn giữ được vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân.

Trao truyền mạnh mẽ

Hoạt động giao lưu, trình diễn ĐCTT trên địa bàn tỉnh trước đây chủ yếu diễn ra ở quy mô nhỏ, mang tính chất giao lưu giữa các nghệ nhân, tài tử. Tuy nhiên, từ khi ĐCTT được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng đã dành nhiều quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống của vùng đất Nam Bộ.

Báo cáo tình hình bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm 2018 đến năm 2024 của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cho biết, nếu như năm 2014 toàn tỉnh có 31 câu lạc bộ (CLB) ĐCTT thì đến năm 2020 có 57 CLB và hiện nay có 44 CLB. Số lượng thành viên tại một số CLB ĐCTT trên địa bàn tỉnh tăng lên, trung bình khoảng 10-12 thành viên/nhóm, CLB. Các thành viên sinh hoạt tại CLB chủ yếu học ca, ít có người theo học đàn.

Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải, nguyên giảng viên Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay ĐCTT hiện nay được truyền dạy theo 2 hình thức: truyền ngón, truyền khẩu trực tiếp tại nhà hay tại CLB; truyền ngón, truyền khẩu kết hợp với giáo án, bài giảng tại một số trường văn hóa nghệ thuật. Người học đờn chủ yếu học những kỹ năng cơ bản như: rao, rung, nhấn, khảy, búng, phi, học chơi độc tấu, tam tấu, tứ tấu… với các nhạc cụ khác nhau. Người học ca, học các bài bản truyền thống, trên cơ sở đó sáng tạo ra cách nhấn nhá, luyến láy tinh tế theo nhạc điệu và lời ca của bài gốc.

“ĐCTT trên địa bàn Đồng Nai vài năm trở lại đây được trao truyền mạnh mẽ. Không chỉ tổ chức các liên hoan, hội diễn, giao lưu, mà Đồng Nai còn tổ chức nhiều lớp truyền dạy cho tài tử, nghệ nhân ở cơ sở. Nghệ nhân, tài tử và người yêu nhạc ĐCTT hưởng ứng tích cực. Điều này cho thấy sự quan tâm của Đồng Nai trong nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” - Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải nói.

Đồng Nai là một trong 21 tỉnh, thành phía Nam có truyền thống lưu giữ và phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Các CLB ĐCTT trên địa bàn tỉnh hoạt động sôi nổi, tham gia tích cực vào các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Các nghệ nhân và tài tử đã có ý thức hơn trong việc truyền dạy và gìn giữ di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

Tích cực quảng bá và lan tỏa

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai Tôn Thị Thanh Tình cho biết, thời gian qua, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. Cụ thể, tổ chức các hoạt động biểu diễn, liên hoan ĐCTT và cải lương cấp tỉnh định kỳ 2 năm/lần; giao lưu giữa các CLB trong tỉnh và các tỉnh bạn; triển lãm nghệ thuật ĐCTT, biểu diễn định kỳ tại các sự kiện văn hóa, lễ hội của tỉnh và của địa phương.

Bà Thanh Tình chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức các đợt giao lưu, công diễn tại tỉnh Bình Thuận, tỉnh Long An; tổ chức thành công Hội thi Sáng tác lời mới dân ca Nam Bộ ca ngợi quê hương, con người Đồng Nai và Hội thi Giọng ca tài tử và cải lương tỉnh Đồng Nai năm 2024; mở lớp hướng dẫn dạy đàn, hát ĐCTT Đồng Nai… Các hoạt động này tạo điều kiện cho nghệ nhân, tài tử trên địa bàn tỉnh sáng tạo, truyền dạy, lan tỏa nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.

Đoạt huy chương vàng tiết mục hòa đờn thể điệu Đảo ngũ cung tại Hội diễn Tiếng hát miền Đông diễn ra vào tháng 10-2024, nghệ nhân dân gian Lê Văn Lợi (CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai) phấn khởi nói, ông và các thành viên trong Ban Đờn, CLB ĐCTT tỉnh rất vui và hạnh phúc. Việc biểu diễn ĐCTT tại tỉnh Bình Thuận không chỉ giới thiệu, quảng bá đến cộng đồng bộ môn nghệ thuật của Nam Bộ được Đồng Nai gìn giữ, phát huy, mà qua đó còn tuyên truyền, nâng cao ý thức của thế hệ trẻ - những người tiếp nối bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn Đồng Nai vẫn còn gặp một số khó khăn. Trong đó, nghệ nhân nòng cốt tham gia sinh hoạt tại các CLB phần lớn là người trung niên và cao tuổi, những người có chuyên môn trình độ cao rất ít, nhất là nghệ nhân đàn. Đội ngũ trẻ kế thừa hiện rất ít, cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa đảm bảo sinh hoạt của các CLB như: các loại nhạc cụ không đầy đủ, có lúc dàn nhạc không có đủ tứ tuyệt (kìm, cò, tranh, bầu). Việc đưa ĐCTT vào truyền dạy rộng rãi tại một các trường học trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa thực hiện được…

Để bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã dự thảo kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2024-2026, định hướng đến năm 2030, hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị ĐCTT trên địa bàn tỉnh. Duy trì và phát triển số lượng, chất lượng các CLB, đội, nhóm ĐCTT tại địa phương; xây dựng môi trường, cơ sở vật chất để hoạt động ĐCTT được bảo vệ và phát huy hiệu quả.

Ly Na

Nguồn: Báo Đồng Nai - baodongnai.com.vn - Đăng ngày 02/11/2024

Cùng chuyên mục