Sức hút đặc biệt từ du lịch Hòa Bình
Huyện Tân Lạc là vùng đất lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của dân tộc Mường, thể hiện rõ qua các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi, Lễ hội chùa Kè, Lễ hội đánh bắt cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn... Những lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là cơ hội để du khách hiểu thêm về phong tục, tín ngưỡng và đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.
Trên địa bàn còn có nhiều danh lam thắng cảnh được công nhận di tích quốc gia như: động Thác Bờ, động Hoa Tiên, hang Bưng (xã Suối Hoa), động Nam Sơn (xã Vân Sơn), động Mường Chiềng, hang Muối (thị trấn Mãn Đức) và các di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh: miếu xóm Lũy Ải (xã Phong Phú), núi Cột Cờ, thác Trăng (xã Nhân Mỹ)... Đây là những địa điểm không thể bỏ qua đối với những ai yêu thích khám phá thiên nhiên hoang sơ, trải nghiệm trekking, cắm trại đầy thú vị.
Bản Dao, xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách.
Với lợi thế về thiên nhiên và văn hóa, huyện Tân Lạc có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm. Gần đây, việc đưa vào hoạt động Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa - PriorBay Resort tại xã Suối Hoa với nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng khác biệt đã trở thành điểm đến nổi bật, tạo được sức hút đặc biệt trên Khu du lịch hồ Hòa Bình.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, khai thác hiệu quả tiềm năng, du lịch huyện Tân Lạc có sự chuyển biến tích cực. Quý I/2025, tổng số khách du lịch đến địa bàn đạt 153.230 lượt (khách quốc tế 4.980 lượt, khách nội địa 148.250 lượt). Trong tương lai không xa, Tân Lạc hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn - nơi thiên nhiên hội tụ, văn hóa tỏa sáng và trải nghiệm khó quên với du khách trong và ngoài nước, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Huyện Đà Bắc là địa phương được quy hoạch vào Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Với mặt hồ rộng hơn 6.000 ha thuộc lòng hồ thủy điện Hòa Bình, nhiều đảo lớn, nhỏ và các cánh rừng trải dài, nhiều loài thủy sản phong phú, cùng tuyến đường thủy từ TP Hòa Bình qua Đà Bắc đến Sơn La, đem lại cho huyện tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch.
Những năm qua, huyện Đà Bắc tập trung phát huy tiềm năng, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển ngành du lịch, đưa Đà Bắc trở thành điểm du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Ngoài việc khai thác lợi thế về cảnh đẹp thiên nhiên, huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, cấp uỷ, chính quyền cơ sở phát triển các loại hình du lịch, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn du lịch tâm linh với du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng cùng các hoạt động vui chơi giải trí.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, di sản thiên nhiên, cảnh quan, môi trường sinh thái; phát triển sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát triển mô hình sản xuất ứng dụng quy trình canh tác sinh thái, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng, độc đáo của địa phương để thu hút du khách. Hiện nay, một số điểm du lịch cộng đồng của huyện đã có tên trên bản đồ du lịch trong và ngoài tỉnh như: xóm Sưng (xã Cao Sơn), xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Đức Phong (xã Tiền Phong)….
Cùng với đó, Đà Bắc được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là tài nguyên đất và rừng. Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh diện tích trên 5.000 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm trên 90%, thuộc 4 xã: Đoàn Kết, Đồng Chum, Đồng Ruộng, Tân Pheo, tạo điều kiện cho phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, nhằm khai thác lợi thế phong tục tập quán, nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc Tày, huyện chỉ đạo phòng chuyên môn khảo sát xây dựng đề án bảo tồn văn hoá đồng bào dân tộc Tày nhằm phát triển du lịch cộng đồng.
Trong năm 2024, tổng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện đạt trên 266.000 lượt, trong đó, khách nội địa 257.580 lượt, khách quốc tế trên 8.430 lượt. Doanh thu du lịch ước đạt 114.679 triệu đồng.
Huyện Cao Phong cũng có tiềm năng phát triển du lịch lớn nhờ vào địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch cả nước. Cao Phong được biết đến là 1 trong 4 vùng Mường cổ của tỉnh Hòa Bình, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, núi non trùng điệp, hồ thủy điện, rừng già, bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng cùng nhiều địa danh lịch sử văn hóa.
Trong những năm qua, Cao Phong làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện; tuyên truyền về định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, huyện. Đồng thời, chú trọng trong quy hoạch, đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.
Cao Phong cũng ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông đường liên xã, thị trấn; mở rộng, nâng cấp hệ thống lưới điện. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông nâng cấp đường truyền kết nối mạng internet, phủ sóng điện thoại di động đến tất cả các vùng trong toàn huyện, lắp mạng 4G tại các điểm du lịch trên địa bàn.
Tiêu biểu như xóm Mừng (xã Hợp Phong) cách trung tâm xã khoảng 10km. Trước đây, đường lên xóm dốc đứng, đi lại khó khăn. Nguồn sống chủ yếu của bà con dựa vào trồng ngô, sắn, cấy lúa trên ruộng bậc thang hoặc dựa vào rừng để sống. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước và các cấp chính quyền, từ một vùng hẻo lánh giờ đây xóm Mừng đã "thay da đổi thịt”, trở thành điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách.
Để phát triển du lịch bền vững, các cấp chính quyền tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của từng địa phương, từ đó thu hút du khách đến khám phá và trải nghiệm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hiền Lương