Hoạt động của ngành

Tam Chúc – “nét chấm phá” trên bản đồ du lịch Việt

Cập nhật: 25/06/2020 09:51:44
Số lần đọc: 706
  Khu du lịch Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) không chỉ được mệnh danh là trung tâm văn hóa Phật giáo lớn, mà còn sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Đó là những yếu tố thuận lợi để Tam Chúc trở thành “nét chấm phá” đặc biệt trên bản đồ du lịch Việt.


Quần thể khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc nhìn từ hồ Lục Nhạc.

Mênh mang Tam Chúc

Sau hơn 1 giờ đi từ Hà Nội đến huyện Kim Bảng (Hà Nam), du khách đặt chân đến Khu du lịch Tam Chúc - một quần thể rộng 5.000ha, trong đó, diện tích hồ nước khoảng 1.000ha, núi rừng tự nhiên chiếm 3.000ha và các thung lũng chiếm khoảng 1.000ha. Nơi đây có ngôi chùa lớn nhất thế giới, lưng tựa vào dãy núi Thất Tinh hùng vĩ, mặt hướng ra hồ Lục Nhạc (hồ Tam Chúc) mênh mang với 6 ngọn núi nổi giữa lòng hồ.

Từ bến thuyền, du khách bắt đầu hành trình khám phá hồ Lục Nhạc - một trong những hồ nước ngọt tự nhiên rộng nhất Việt Nam, có diện tích 600ha, được bao bọc bởi dãy núi đá vôi kỳ vĩ. Không chỉ có giá trị về mặt thiên nhiên, hồ còn lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa được tìm thấy qua những hiện vật khảo cổ phát hiện dưới lòng hồ. Những cột gỗ, cột đá, xà đá bị vùi lấp dưới nền móng cũ gợi ý chùa Tam Chúc có niên đại hơn 1.000 năm.

Con thuyền chầm chậm trôi đưa du khách đi qua đảo Cò - nơi 50 hộ dân làng Tam Chúc từng sinh sống. Theo hướng dẫn viên Nguyễn Công Vượng, phần rìa hồ Lục Nhạc xưa kia nước nông nên người dân chủ yếu trồng lúa, đánh bắt cá ở khu vực này để sinh sống. Sau này, các hộ dân được di dời ra thị trấn Ba Sao, trả lại cho đảo Cò vẻ hoang dã vốn có. Hiện nay, hòn đảo này được trồng thêm nhiều tre, trúc để thu hút cò, vạc về sinh sống. Từ xa, du khách có thể thấy cây cầu nối liền đảo Cò với khu vực đình Tam Chúc - ngôi đình được phục dựng theo nguyên trạng trên nền cũ, với phong cách kiến trúc đặc trưng của đình làng Bắc Bộ truyền thống.

Sau khi thăm đảo Cò và đình Tam Chúc, du khách tiếp tục lên thuyền đến với quần thể tâm linh chùa Tam Chúc, gồm 3 ngôi đại điện: Điện Quán Âm, điện Pháp chủ và điện Tam thế. Cuối cùng, du khách sẽ trèo lên 299 bậc đá để tới chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh, ở độ cao 468m so với mực nước biển. Đây là một kiệt tác về kiến trúc đá với diện tích 36m2, cao 15m, nặng 2.000 tấn, có 3 tầng mái cong, được xây dựng hoàn toàn bằng đá Granit đỏ và đặc biệt là không cần bê tông kết dính như các công trình thông thường. Trong chùa Ngọc có 1 pho tượng Phật A di đà bằng ngọc nguyên khối nặng 1,5 tấn. Đây là pho tượng quý nhất trong quần thể chùa ở Tam Chúc.

Kết nối con đường di sản, tâm linh

Vài năm trở lại đây, số lượng khách du lịch đến Hà Nam đã tăng nhanh chóng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20 - 25%/năm. Có được sự chuyển biến tích cực ấy, theo bà Đinh Thị Lụa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, là nhờ “Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, các hoạt động thu hút đầu tư phát triển du lịch được đẩy mạnh, nhiều dự án phát triển du lịch đi vào hoạt động; công tác quảng bá xúc tiến có nhiều đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, trong năm 2019, Khu du lịch Tam Chúc hoàn thành giai đoạn 1 đã trở thành địa điểm tổ chức nhiều hoạt động tôn giáo, văn hóa, du lịch lớn, góp phần tạo sự đột phá cho du lịch Hà Nam khi thu hút gần 3 triệu lượt khách về địa bàn tỉnh trong năm 2019”.  

Là một trong 5 khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh Hà Nam, Khu du lịch Tam Chúc cùng với điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Lảnh Giang, đền Bà Vũ, đền Trần Thương, điểm du lịch nhân văn Nam Cao đã và đang được tỉnh Hà Nam đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm để tạo thành những điểm nhấn thu hút khách đến với địa phương. Bên cạnh đó, theo ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, tỉnh cũng chú trọng xây dựng các tour, tuyến đặc sắc nhằm kết nối các điểm di tích với các làng nghề, làng văn hóa, điểm du lịch tâm linh trong và ngoài tỉnh để hấp dẫn du khách.

Với vị trí nằm giữa danh thắng chùa Hương (Hà Nội) và chùa Bái Đính, danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Khu du lịch hồ Tam Chúc được ví như “gạch nối” nối liền các địa điểm trên cùng với đền Trần, Phủ Dầy (Nam Định) và đền Trần (Thái Bình) tạo thành con đường du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam. “Tuyến du lịch tâm linh này sẽ là điểm nhấn đặc sắc giúp du lịch Hà Nam nói riêng và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung vươn dậy mạnh mẽ trong tương lai”, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng nghiệp vụ chất lượng quốc tế (Golden Tour) nhận định./.

Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Cùng chuyên mục