Hành trang lữ khách

Tản mạn B’Lao – Bảo Lộc (Lâm Đồng)

Cập nhật: 26/06/2020 10:37:55
Số lần đọc: 1744
Những cây kèn hồng nở muộn còn vương màu nhàn nhạt quyến rũ trên con đường dẫn vào trung tâm thành phố Bảo Lộc. Chưa đến mùa dã quỳ nhưng đồi lá bạt ngàn màu xanh ngút mắt hứa hẹn một màu vàng rực rỡ, thánh thiện sẽ trải thảm trên vùng đất Tây Nguyên khi mùa khô đến. Cơn gió se se lạnh khiến du khách rùng mình kéo cao cổ áo. 

 


Thành phố Bảo Lộc nhìn từ trên cao. Ảnh: VĐQ

Tôi ngồi trong quán B’Lao Tour nhìn ra hồ Đồng Nai. Quán được thiết kế theo phong cách cổ điển. Những cây đèn dầu cũ kỹ, những bình gốm mộc mạc, bức tranh thủy mặc treo tường... làm khách đắm chìm vào một thời xa vắng. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Tiếng chuông nhà thờ vọng lại thanh âm buổi lễ chiều. Phải chăng cũng một buổi chiều êm êm như chiều nay trong thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, cũng tại đây, bên ly cà phê bốc khói đã tạo nên cảm xúc tuyệt vời cho người nhạc sĩ họ Trịnh sáng tác ca khúc Lời buồn thánh?

Trên những con phố Bảo Lộc vẫn còn vương vấn những áp phích của Tuần lễ Văn hóa Trà - Tơ lụa kéo dài từ ngày 23 đến ngày 27/12 của năm cũ. Nàng công chúa Bảo Lộc đã được đánh thức sau một giấc ngủ dài. Những thương hiệu trà nổi tiếng như Thiên Hương, Bảo Tín, Thiên Thành, Quốc Thái, Hương Kim Thảo... đã làm say lòng người thưởng ngoạn với những chung trà nồng nàn, nóng bỏng qua cách pha trà điệu nghệ của những cô gái vùng cao. Chợt bùi ngùi nhớ tiếc người phụ nữ Huế đã khai phá thương hiệu danh trà Đỗ Hữu qua đời trong đợt dịch COVID-19 vừa qua khiến lễ tang của bà bớt đi phần nào sự trang trọng do giãn cách xã hội. Cũng trong lễ hội này, những tấm lụa tơ tằm chính hiệu mềm mại, óng chuốt đã đem lại thích thú cho người thưởng lãm qua các nhà sản xuất uy tín như Silk Việt, Hà Đô, Minh Quân... Tất cả đang hứa hẹn sự khởi sắc của vương quốc tơ tằm một thuở.

Chợt hồi tưởng những ngày mới đến Bảo Lộc. Đã hơn bốn mươi năm. Thời gian như một cái chớp mắt ngậm ngùi. Thị trấn có duy nhất một rạp chiếu phim chỉ đỏ đèn vào dịp cuối tuần. Không thể quên những ngày đưa học trò đi lao động ở các nông trường như Kohinda, B’Lao Sere... còn thấy những người phụ nữ K’Ho địu con sau lưng, ngực trần, giã gạo bằng những chiếc chày gỗ cao quá đầu người. Lần đi trồng thông ở đồi Thu Vân bát ngát khói sương, leo lên tận đỉnh đồi còn dấu vết ngôi biệt thự cổ mà người chủ Pháp đã trở thành người của “muôn năm cũ”. Con đường đi vào đồn điền Tứ Quý hoang vắng, thi thoảng một chú thỏ hoang chạy vụt ngang đường…

Ngay chỗ tôi ngồi hôm nay nhìn ra xóm Sình một thuở. Nghe cái tên đã hình dung ra vùng đất sình lầy ven hồ với nhũng kiếp người lưu lạc tha phương, không nơi trú ngụ, tìm về ven hồ sống tạm bợ, nhếch nhác trong những túp lều vách lá, mái tôn, thùng gỗ tạp. Những con người khốn khổ tận cùng xã hội như thơ của Phan Thị Thanh Nhàn “mụ Còng bới rác, mẹ con nhà lông gà giẻ rách, lão Tư say, thằng bé đánh giày, ông già mù tẩm quất...”. Ở đó từng là nỗi kinh hoàng của thị trấn về những vụ đánh lộn, ăn cắp, đâm chém nhau đến đổ máu... Tôi cũng đã từng là nạn nhân khi làm công tác chủ nhiệm đến thăm gia đình phụ huynh, quay vô quay ra đã mất tăm đôi dép mới, đành đi chân không ra về... Năm 2000, năm mở đầu cho thiên niên kỷ mới, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Thiên đã ký quyết định giải tỏa khu nhà ổ chuột, giữ nguyên diện tích hồ Đồng Nai, mở rộng thêm về xóm Sình, tạo sự liên hoàn giữa hồ cũ và hồ mới, tôn tạo chỉnh trang khu vực chung quanh hồ, tạo một điểm nhấn xinh đẹp cho Bảo Lộc đã được nâng cấp lên thành phố.

Với chính sách đền bù hợp lý, dân xóm Sình hớn hở đưa nhau về khu tái định cư xây dựng những ngôi nhà mới khang trang. Cái tên xóm Sình đi vào dĩ vãng. Bây giờ là con đường Cù Chính Lan thơ mộng với cầu ngắm cảnh, nhà thủy tạ, công viên xanh... Không ít những đôi uyên ương đã chọn nơi đây để chụp ảnh cho ngày trọng đại của đời mình. Thỉnh thoảng được khách xa ghé thăm, tôi đưa họ ra những quán cà phê ven hồ và thích thú nghe những tiếng trầm trồ, xuýt xoa. Dịp lễ 30/4 vừa qua, Quốc lộ 20 lên Đà Lạt tắc nghẽn, nhiều gia đình đã chọn Bảo Lộc làm điểm đến bất đắc dĩ nhưng không ngờ khi được hỏi cảm tưởng, họ đã đưa ngón tay cái phát tín hiệu “Number one!” đồng thời hứa hẹn một sự trở lại.

Có lý quá đi chớ! Tôi hãnh diện khi chọn nơi này làm quê hương thứ hai. Khí hậu quanh năm mát mẻ. Thác Đamb'ri đã có tiếng từ lâu trong văn học nghệ thuật. Du lịch tâm linh không thiếu với chùa Trà, chùa Bát Nhã, chùa Di Đà... Đặc biệt, Linh Quy Pháp Ấn thu hút du khách từ những sáng tinh mơ cho đến những đêm trăng thông qua MV Lạc Trôi của Sơn Tùng. Con đường trải nhựa thênh thang vào đồi trà Tâm Châu là điểm chọn của nhiều bộ phim nổi tiếng. Chỗ nghỉ không thiếu. Sang trọng có Khu du lịch Đôi Dép, Tâm Châu... Các homestay phát triển nhanh lẹ theo nhu cầu của thị trường nằm trên các trục lộ Phan Đình Phùng, Lý Thái Tổ được đưa vào lịch trình của hướng dẫn viên du lịch. Mua sắm có siêu thị Co.opmart. Rạp chiếu phim nghèo nàn ngày xưa đã nhường chỗ cho Vincom sang trọng. Tôi vui khi đọc cẩm nang của một nhóm "Phượt", họ khuyên các tours khi đến Bảo Lộc đừng ngần ngại, hãy check in vào cà phê Gọi Gió ở Lộc Tiến để ngắm ngọn núi Đại Bình qua thung lũng mờ sương.

Đặc sản Bảo Lộc nào có thiếu cho du khách. Ai đến mà không mang về những gói trà Ô Long thơm ngát, những gói cà phê sạch nguyên chất, những tấm tơ lụa thổ cẩm chính gốc được trưng bày trong các Showroom tha hồ cho khách chọn lựa. Đến mùa cây trái, hàng chục đoàn xe dừng lại bên quốc lộ để mua những trái bơ 034 vàng ươm, những chùm chôm chôm đỏ au, những trái sầu riêng thơm ngát...

Năm 1958, tỉnh Đồng Nai Thượng được đổi tên thành tỉnh Lâm Đồng. Năm 1959 đổi tên quận B’Lao thành quận Bảo Lộc. Năm 1976, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt hợp nhất thành tỉnh Lâm Đồng. Bảo Lộc là một vùng đất mới. Cư dân hầu hết không phải là dân tại chỗ. Nhưng “Đất lành chim đậu”. Từ trước 1975, đây là một vùng đất nuôi dưỡng văn nghệ sĩ và không ít người đã thành danh. Về văn xuôi có Kinh Dương Vương tức họa sĩ Rừng, Ngụy Ngữ - tác giả của Con thú tật nguyền sau 1975 đã được dựng thành phim với đạo diễn Hồ Quang Minh...; về thơ có sao trên rừng Nguyễn Đức Sơn, Hạc Thành Hoa, Hồ Ngạc Ngữ, Hoàng Ngọc Châu...; về nghiên cứu có Trần Xuân Kiêm...; về dịch thuật có Tôn Nữ Phùng Thăng, Phùng Khánh với tác phẩm bất hủ Câu chuyện của dòng sông mà tác giả là Hermann Hesse, Nobel Văn học năm 1946. Đặc biệt có nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn... Nhạc sĩ hiện diện trên cõi đời 63 năm (1939-2001) và chỉ sống ở Bảo Lộc ba năm ngắn ngủi (1964-1967) nhưng có thể nói quãng thời gian này ông đã có một cảm hứng sáng tác bất tận: Tập ca khúc Da Vàng, Tiếng hát Dạ Lan. Đặc biệt ba nhạc phẩm mang dấu ấn đậm nhất về B’Lao là Vết lăn trầm, Chiều một mình qua phố, Lời buồn thánh...

Thương hải biến vi tang điền. Trường Tiểu học Bảo An không còn. Căn biệt thự của bà Phi đã thành Trung tâm Tiệc cưới Hồng Phát... nhưng người yêu nhạc và những du khách đến Bảo Lộc vẫn in đậm trong tâm thức về người nhạc sĩ cao gầy, mang kính cận đang đi lững thững trên những con dốc Bảo Lộc...

Huế đã có Gác Trịnh. Thành phố Huế đã dành một con đường đẹp bên sông Hương để đặt tên Trịnh Công Sơn. Người nhạc sĩ tài danh này chỉ ở Quy Nhơn hai năm khi theo học Sư phạm (1962-1964) nhưng tỉnh Bình Định đã ra quyết định sẽ đặt tượng Trịnh Công Sơn bên bờ biển trên con đường Nguyễn Huệ lên Gành Ráng. Vậy chăng nên có một dấu ấn về người nhạc sĩ ở thành phố vùng cao B’Lao - Bảo Lộc!

Chiều xuống, trên mặt hồ B’Lao đã lên đèn.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục