Hoạt động của ngành

Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại Thừa Thiên Huế

Cập nhật: 03/08/2023 11:37:19
Số lần đọc: 819
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có công văn giao Sở VHTT chủ trì, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, TP Huế tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Cụ thể, nội dung công văn yêu cầu triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo đúng Chương trình hành động quốc gia mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với UNESCO (đối với các di sản được đưa vào các Danh sách của UNESCO) và các biện pháp bảo vệ được ghi trong hồ sơ khoa học (đối với các di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).

Lễ hội Điện Huệ Nam tại Thừa Thiên Huế là dịp mà nét đẹp Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (Di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh) được thể hiện.

Tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương. Nâng cao nhận thức cho nghệ nhân, người thực hành và cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; có biện pháp nhắc nhở và chấn chỉnh đối với các nghệ nhân, người thực hành, đặc biệt là nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, đối với việc tham gia vào các hoạt động làm biến dạng, thực hành sai lệch di sản. Nghệ nhân cần nâng cao vai trò truyền dạy di sản và nêu gương trong thực hành đúng để gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể.

Bên cạnh đó, cần tập trung công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng việc thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật, những hành vi làm sai lệch giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, như: Thực hành di sản không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản; thay đổi, bổ sung các yếu tố mới và biểu diễn di sản mà không có sự đồng thuận của cộng đồng; đưa di sản ra trình diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản; lợi dụng danh hiệu di sản để tổ chức các sự kiện hội họp, giới thiệu, tập huấn về di sản mà không có sự hiểu biết đầy đủ của cộng đồng, không đúng với tinh thần Công ước 2003 và Luật Di sản văn hóa.

Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế (Quần thể Di tích Cố đô Huế (Di sản vật thể), Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam (Di sản phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn (Di sản tư liệu), Châu bản triều Nguyễn (Di sản tư liệu), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (Di sản tư liệu).

Hai di sản chung với các địa phương khác là Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam (Di sản phi vật thể) và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (Di sản phi vật thể).

Lê Chung

 

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 03/08/2023

Cùng chuyên mục