Tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng đáp ứng yêu cầu phục hồi và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TITC)
Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Liên kết sức mạnh Du lịch Việt Nam”, diễn ra với 2 phiên: Phiên 1: đưa ra bức tranh khái quát về lưu trú du lịch và những tồn tại về chất lượng nguồn nhân lực du lịch các cơ sở lưu trú hiện nay. Phiên 2: tìm hiểu những mô hình đào tạo tiêu biểu, từ đó có những gợi ý, chính sách trong thời gian tới.
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh, năm 2019, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả rất ấn tượng, đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 755.000 tỷ đồng. Cũng trong năm này, ngành du lịch có 30.000 cơ sở lưu trú với 650.000 buồng, phòng. Sự tăng trưởng của ngành du lịch đã tác động đột phá đến nhiều ngành khác.
Tuy nhiên dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, số lượng khách nội địa giảm hơn 50%, khách quốc tế giảm 90%, công suất buồng phòng chỉ đạt 10%.
Đến nay, sau khi Chính phủ cho phép mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch, du lịch Việt Nam đã tái khởi động theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ “thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương và các doanh nghiệp trong ngành. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch tái cơ cấu nguồn nhân lực, nâng cấp làm mới các cơ sở dịch vụ. Các đơn vị đã không ngừng nỗ lực sáng tạo, đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, công nghệ thông tin trong phát triển du lịch. Tất cả đã đem lại những tín hiệu hồi phục rất khả quan cho ngành du lịch. Để đạt được mục tiêu đón khách quốc tế trong năm 2022, du lịch Việt Nam cần nhiều sự nỗ lực cố gắng.
Trong thời gian vừa qua, nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam đã tăng lên, tỷ lệ khách quốc tế quan tâm đến du lịch Việt Nam đứng tốp đầu thế giới. Trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới, cơ hội mới, để đáp ứng yêu cầu và hoàn thành mục tiêu đề ra, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, cần phải đổi mới tư duy và cách làm mới. Hoạt động du lịch cần được tổ chức an toàn, khoa học, hoạt động thống nhất, đồng bộ từ các cấp, các ngành, các địa phương và có sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, du khách.
Các đại biểu dự hội thảo (Ảnh: TITC)
Khi du lịch thế giới phục hồi, du lịch Việt Nam phải đối mặt với những thách thức về cạnh tranh điểm đến. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để du lịch Việt Nam trở thành điểm đến được du khách quốc tế lựa chọn hàng đầu. Để thực hiện được điều này cần đội ngũ nhân lực đủ về số lượng, vững vàng về nghiệp vụ, năng động, nhiệt tình, sáng tạo, trách nhiệm, quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi và phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030.
Chỉ ra một số bất cập của đào tạo nhân lực du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển du lịch quốc tế, vấn đề đặt ra trong đào tạo nhân lực du lịch là đảm bảo cơ cấu hợp lý, đủ chất lượng, số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập. Chính vì vậy cần có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, lành nghề, đào tạo đa dạng, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo nhân lực du lịch. Bên cạnh đó cần chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo…
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TITC)
Theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sau hai năm ảnh hưởng dịch bệnh, nguồn nhân lực du lịch bị tổn thất nặng nề, vì vậy vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt cho các cơ sở lưu trú là điều rất quan trọng. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề có thể nhanh chóng giải quyết, vấn đề đặt ra là cần thay đổi phương thức đào tạo nhân lực du lịch cho phù hợp với xu thế mới. Hội thảo sẽ là diễn đàn để các đại biểu, nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo đóng góp ý kiến, qua đó góp phần hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực lưu trú.
Phó Vụ trưởng Vụ khách sạn (TCDL) Nguyễn Thanh Bình trình bày chuyên đề tại hội thảo (Ảnh: TITC)
Với chuyên đề “Thực trạng hệ thống cơ sở lưu trú Việt Nam, những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực khách sạn”, bà Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ khách sạn (TCDL) đã cho thấy những nét tổng quan về số lượng, chất lượng cơ sở lưu trú du lịch. Theo đó, giai đoạn 2001 - tháng 7/2022, số lượng cơ sở lưu trú của du lịch Việt Nam tăng nhanh hơn số lượng khách du lịch, tạo ra sức ép về cung đối với các cơ sở lưu trú. Khách sạn 5 sao và các nhà nghỉ có số lượng tăng nhanh, tạo ra sức chứa lớn. Bên cạnh đó, loại hình homestay và căn hộ du lịch cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Loại hình lưu trú từ 3-5 sao có 1.046 cơ sở với 155.073 buồng (số liệu tính đến tháng 7/2022). Tổng số cơ sở lưu trú là 700.000 buồng với nhu cầu cần có 485.000 lao động.
Chỉ ra những thách thức đối với đào tạo nguồn nhân lực du lịch, theo bà Bình mục tiêu đặt ra cho sự phục hồi và phát triển du lịch là: kiện toàn đội ngũ nhân sự các cấp, phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản trị cấp cao, tiêu chuẩn hóa nguồn nhân lực trong cơ sở lưu trú du lịch, áp dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong quản lý cơ sở lưu trú du lịch, nâng cao ý thức trách nhiệm của lao động trong các cơ sở lưu trú…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ về các nội dung như xu hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên thế giới, xu hướng chính đối với nguồn nhân lực chất lượng cao tại các cơ sở lưu trú du lịch, linh hoạt trong chiến lược sử dụng nhân sự, xây dựng phương án tuyển dụng và đào tạo nhân lực trong các cơ sở lưu trú, một số vấn đề tồn tại, khó khăn trong các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch…
Trung tâm Thông tin du lịch