Tây Giang: Du lịch “không đồ nhựa”
Làng cổ Pơmu - điểm du lịch nói “không” với đồ nhựa dùng một lần. Ảnh: Đ.HIỆP
Quyết tâm không dùng đồ nhựa
Đầu tháng 9, Huyện ủy Tây Giang đã có văn bản chỉ đạo từ huyện đến xã, thôn, các ban ngành và các lực lượng vũ trang thực hiện tốt phong trào “Phòng chống rác thải nhựa”. Bí Thư Huyện ủy Bh’riu Liếc cho rằng, vấn đề không chỉ là câu chuyện uống nước đóng chai nhựa hay chai thủy tinh tại các cuộc họp mà làm sao nâng cao nhận thức, ý thức người dân về bảo vệ môi trường. Những năm qua, Tây Giang có chủ trương tập trung phát triển du lịch, xem đây là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Nếu để tình trạng sử dụng đồ nhựa, túi ny lon dùng một lần tràn lan, kéo dài sẽ tạo cái nhìn thiếu thiện cảm với du khách ngay từ đầu, đồng thời dễ làm ô nhiễm môi trường tự nhiên nơi đây, vốn còn giữ nét hoang sơ, trong lành.
“Cách làm của Tây Giang trong chiến dịch này là chú trọng tuyên truyền, vận động nhằm hạn chế, rồi thay thế và tiến đến loại bỏ hoàn toàn đồ dùng bằng nhựa”- ông Liếc chia sẻ.
Sau khi có văn bản chỉ đạo của Huyện ủy Tây Giang, nhiều ngành, địa phương bắt đầu thực hiện quyết liệt, trong đó Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh phát động phong trào đến từng hội viên. Riêng Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch huyện đã xây dựng kế hoạch “Phát triển du lịch nói không với rác thải nhựa”. Ông Phạm Quốc Hường - Giám đốc Trung tâm cho biết, đơn vị đã triển khai phong trào này tại các khu du lịch cộng đồng như khu du lịch làng truyền thống Cơ Tu, làng cổ Pơmu, Đỉnh Quế, điểm dừng chân Aliêng, khu du lịch cộng đồng Talang, Pơ’ning…
“Hiện nay, chúng tôi đều bố trí các thùng đựng rác thải nhựa và kèm theo tấm biển khuyến cáo du khách không nên đem theo đồ ăn đựng xốp nhựa, nước uống đóng chai nhựa tại các điểm du lịch nói trên” - ông Hường nói.
Quay về đồ dùng truyền thống
Tại điểm du lịch cộng đồng Pơ’ning (xã Lăng), theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ đồ dùng phục vụ cho du khách đều làm bằng vật liệu thiên nhiên (tre, nứa, lá rừng), không hề thấy “bóng dáng” đồ nhựa. Anh Ploong Plênh - chủ khu du lịch này cho biết, du khách đến đây sẽ được ngủ tại nhà sàn, thưởng thức các món cơm lam, thịt nướng nấu bằng ống nứa. Hầu hết vật dụng dùng cho ẩm thực đều làm từ các vật liệu gỗ, tre nứa, lá được chế tác rất tỉ mỉ và đẹp mắt. Chiếc muỗng, ly uống rượu, tô đựng cơm, xôi... đều bằng đồ thủ công đan lát từ nguyên liệu tre, nứa.
“Chúng tôi sẽ làm ra các sản phẩm hữu cơ thay thế dần đồ nhựa. Các sản phẩm này để vừa phục vụ, vừa bán cho du khách, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường như vậy tiện đủ đường…” - anh Plênh nói.
Theo già làng Bríu Pố (xã Lăng), xưa nay đồng bào Cơ Tu sống dựa vào thiên nhiên, tận dụng mọi nguyên liệu tự nhiên để làm ra nhà cửa, chiếc gùi, chiếc gối và cả chiếc ly để uống nước… Khi kinh tế phát triển, đồ nhựa mới có, mới dùng. Do đó việc vận động bà con thực hiện chủ trương “người Cơ Tu dùng đồ truyền thống - Nói không với rác thải nhựa” bà con mình hưởng ứng ngay và thực hiện rất tốt. Hiện các lễ hội, ma chay, cưới hỏi, bà con mình chỉ dùng vật dụng truyền thống để phục vụ, như vậy vừa giữ được nét văn hóa truyền thống vừa bảo vệ môi trường.
Sau gần một tháng triển khai quyết liệt, ý thức người dân về tác hại của đồ nhựa dùng một lần đã thay đổi rõ rệt. Tại khu chợ huyện bà con đi chợ bằng giỏ xách lớn, các loại thực phẩm được các tiểu thương gói bằng lá chuối. Khách du lịch đến Tây Giang ít mang theo đồ nhựa dùng một lần và họ cũng rất thích thú khi được uống ly rượu bằng ống nứa hay ăn cơm lam nấu bằng ống nứa./.