Tết Thanh Minh của người Tày, Nùng Xứ Lạng: Đậm bản sắc văn hoá dân tộc
Người dân thôn Quảng Trung I, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn làm bánh để cúng tổ tiên
Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho biết: Tết (tiết) Thanh Minh chính là nhớ ơn tổ tiên, ngoài nghi lễ chuẩn bị thờ cúng thì biểu hiện rõ nhất đó là tảo mộ. Tảo mộ trong tháng 3 tiết trời thường trong xanh, khô đẹp nên mới gọi là thanh minh. Nói về mặt văn hóa, đây là một di sản vô cùng quý giá, thể hiện giá trị nhớ ơn tổ tiên, cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Theo quan niệm của người Việt, tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo đó, năm nay, Tiết Thanh Minh diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 23/2 âm lịch (4/4/2021) đến ngày 10/3 âm lịch (20/4/2021).
Đối với người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, Tết Thanh Minh, còn gọi là Tết “so slam, bươn slam” (tức mùng Ba tháng Ba). Bà con dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn thường tổ chức Tết Thanh Minh vào đúng ngày mồng 3/3 âm lịch. Tuy nhiên, do điều kiện công việc và sự phát triển của xã hội ngày nay, tại một số nơi, người dân có thể chọn một ngày đẹp vào dịp cuối tuần trong Tiết Thanh Minh để đi tảo mộ. Dù lựa chọn ngày có khác nhau, nhưng cách thức tảo mộ của đồng bào Tày, Nùng đều giống nhau, cùng hướng về tổ tiên, cội nguồn.
Trong những ngày này có thể dễ dàng nhận thấy, tại các khu chôn cất người đã khuất trên địa bàn tỉnh đều nhộn nhịp người dân đi tảo mộ, thắp hương cho tiên tổ, người thân đã khuất để tưởng nhớ và tỏ lòng hiếu kính. Anh Hoàng Văn Quang, người dân tộc Tày, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc cho biết: “Dù đi làm ăn xa nhưng ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm, vợ chồng tôi và các con đều về quê tảo mộ. Việc làm này không chỉ bày tỏ lòng thành kính của mình mà còn được sum họp với gia đình, họ hàng, gia tăng thêm tình đoàn kết”.
Theo ghi nhận của phóng viên, vào ngày mùng 3/3 hằng năm, người dân thường đến khu mộ của gia đình từ sớm để thắp hương xin phép thần thổ địa rồi phát cỏ cây, dọn dẹp khu mộ sạch sẽ. Sau đó, kính cẩn thắp hương và bày cỗ tại khu mộ ngôi mộ người đã khuất. Tục thờ cúng trong ngày tảo mộ thường gồm hai phần: phần cúng ở nhà và phần cúng tại mộ. Thông thường, sau khi làm lễ cúng gia tiên xong, mọi người mới bắt đầu đi tảo mộ. Đồ cúng tùy thuộc vào hoàn cảnh của con cháu và chủ yếu là làm với tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên như: gà luộc, thịt lợn quay, cá, hoa quả, bánh kẹo, vàng hương… Đặc biệt, trong mâm cỗ cúng tổ tiên của người Tày, Nùng không có bánh trôi, bánh chay như người Kinh mà thay vào đó là “khẩu nua đăm đeng” (nghĩa là xôi nếp đỏ, đen) hoặc xôi ngũ sắc (xanh, đỏ, trắng, vàng, đen), bánh ngải, bánh dày ngũ sắc góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong đời sống của đồng bào.
Bà Hoàng Thị Hà, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định cho biết: Ngày Thanh Minh gia đình tôi thường làm xôi nhiều màu sắc và làm bánh từ các loại lá cây như: lá ngải, lá cẩm và lá cây sau sau. Gia đình tôi còn thường làm xôi đăm đeng – loại xôi có mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, là món ăn dân tộc đẹp mắt, rất phù hợp với mâm cỗ dâng tổ tiên vào ngày Tết Thanh Minh.
Sau nghi lễ dọn dẹp phần mộ và thờ cúng, mỗi ngôi mộ đều được cắm một cành nêu cắt bằng giấy bản nhiều màu sắc. Các ngôi mộ thường đặt trên đồi cao, xa nhà nên bà con thụ lộc ngay bên phần mộ. Mọi người tụ họp nghe người lớn tuổi trong họ kể về những người đã khuất, nhắc nhở nhau hướng về nguồn cội, đoàn kết, gắn bó giúp đỡ nhau trong cuộc sống, công việc, học tập để làm rạng danh tổ tiên.
Có thể thấy, Tết Thanh Minh với những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc vẫn luôn được người Tày, Nùng gìn giữ nguyên vẹn với giá trị nhân văn, giáo dục sâu sắc, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Đây là những nét đẹp cần tiếp tục được gìn giữ và phát huy.