Hoạt động của ngành

Thái Nguyên tạo điểm nhấn phát triển du lịch lịch sử

Cập nhật: 20/09/2021 09:26:42
Số lần đọc: 882
Đại Từ (Thái Nguyên) được biết đến là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Trên địa bàn huyện có hệ thống di tích lịch sử phong phú, đa dạng, trong đó có di tích nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh ở xóm Lau Sau, xã La Bằng. Hiện nay, huyện đang lên kế hoạch đầu tư tôn tạo, mở rộng các di tích với mục đích tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch về nguồn tại địa phương cũng như trong khu vực, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, bồi đắp niềm tự hào dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước trong nhân dân.


Đại diện các sở, ngành chức năng của tỉnh khảo sát thực tế tại một số điểm thuộc Di tích lịch sử nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh ở xóm Lau Sau, xã La Bằng (Đại Từ).

Nằm giữa những đồi chè xanh ngút tầm mắt, có dòng suối Kẹm róc rách chảy suốt ngày đêm nên di tích Nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh là một trong những địa điểm dừng chân lý tưởng của du khách để tìm hiểu lịch sử cách mạng khi đến với La Bằng (Đại Từ). Tại đây, tháng 3/1936, trong ngôi nhà lá ba gian của đồng chí Đường Văn Hon (tức Đường Nhất Quý), cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên chính thức được thành lập gồm 4 đảng viên. Từ đây, phong trào cách mạng đã lan rộng ra khắp cả tỉnh và vùng Việt Bắc, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Với những ý nghĩa to lớn ấy, năm 1999, Di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc Gia.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, mặc dù đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng đến nay, các công trình của Di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, các hạng mục phụ trợ chưa có, khuôn viên nhỏ hẹp, chưa xứng tầm với giá trị và ý nghĩa của Di tích. Hiện trạng của Di tích khá khiêm tốn với 1 ngôi nhà lá 3 gian, 1 nhà truyền thống, bia di tích, khuôn viên vườn hoa, công trình nhà vệ sinh với tổng diện tích gần 1.700m2.

Ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã La Bằng cho biết: Những năm qua, Di tích đã trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong, ngoài tỉnh. Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức tại đây như: Lễ kết nạp Đảng viên mới, công nhận Đảng viên chính thức, sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức cơ sở Đảng… Trung bình mỗi năm, Di tích thu hút khoảng 800-900 lượt du khách đến tham quan. Để góp phần giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường, địa phương thường xuyên tổ chức dọn dẹp, trồng cây xanh quanh khu vực Di tích. Tuy vậy, trên thực tế, hiện trạng Di tích vẫn còn khá sơ sài.

Để tương xứng với giá trị và tầm vóc lịch sử của Di tích, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-HĐND ngày 21/6/2021 về phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng, mở rộng, tôn tạo địa điểm này nhằm tạo mối liên kết về không gian kiến trúc cảnh quan để khai thác hiệu quả giá trị về giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng. Theo đó, diện tích Di tích dự kiến sẽ được mở rộng lên gần 20.000m2. Phương án quy hoạch tổng thể mặt bằng Di tích là quần thể gồm mở rộng các địa điểm di tích cũ, đồng thời xây dựng mới các hạng mục phục vụ hoạt động thăm quan, kỷ niệm và sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư xung quanh.

Cụ thể: Mở rộng từ 190m2 thành 6.720m2 khu vực Di tích nơi công bố thành lập cơ sở Đảng đầu tiên (nhà ông Đường Văn Hon); mở rộng khu vực di tích lò rèn cất giấu vũ khí từ 120m2 lên 1.400m2; xây dựng mới hoàn toàn khu vực nhà đón tiếp và sinh hoạt cộng đồng, sân bãi đỗ xe tập trung với diện tích 8.600m2; mở rộng khu vực di tích nơi hội họp và làm việc bí mật của cơ sở Đảng đầu tiên từ 1.480m2 lên 3.170m2. Bên cạnh đó, phần đất cây xanh 2 bên đường giao thông sẽ được mở rộng để tạo điểm nhấn thẩm mỹ cho tổng thể di tích… Tổng mức đầu tư xây dựng công trình dự kiến là 22 tỷ đồng.

Ông Triệu Văn Đông thông tin thêm: Ngay sau khi có chủ trương mở rộng, tôn tạo di tích, chúng tôi đã triển khai tới các chi bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Người dân đều rất phấn khởi, hy vọng Dự án nhanh chóng triển khai để Di tích xứng tầm với giá trị lịch sử, lan tỏa niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tới du khách gần xa. Theo rà soát sơ bộ, xã có gần 50 hộ nằm trong khu vực dự án với tổng diện tích đất bị ảnh hưởng trên 18.000m2.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đại Từ cho biết: Hiện, chúng tôi đang tham mưu cho huyện xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Đại Từ. Trong đó, Di tích nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh sau khi được đầu tư cải tạo, mở rộng sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch về nguồn, kết nối các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh hiện có trên địa bàn, góp phần thực hiện thành công một trong ba đột phá mà Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, đó là đẩy mạnh phát triển du lịch.

Thu Huyền

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Cùng chuyên mục