Thái Nguyên: Tưng bừng Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao
Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II đã chính thức khai mạc tối 6/10/2022 tại tỉnh Thái Nguyên. Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, Ngày hội sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 6 - 8/10), do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Thái Nguyên chủ trì, phối hợp với các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Dao tổ chức.
Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II tại Thái Nguyên.
Phát biểu khai mạc Ngày hội, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định đây là sự kiện văn hoá có ý nghĩa lớn về chính trị, xã hội, kinh tế, đồng thời cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng du lịch văn hoá đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên nói riêng, của các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung. "Ngày hội văn hoá dân tộc Dao không chỉ góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng".
Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những di sản văn hoá quý giá của đồng bào Dao nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đã góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc. "Văn hoá của dân tộc Dao đã hoà quyện trong nét đẹp văn hoá của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Chúng ta có trách nhiệm lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau".
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Dao thuộc 14 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa và Yên Bái đã đem đến Ngày hội rất nhiều các chương trình, hoạt động đặc sắc: Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa, ẩm thực truyền thống địa phương; Thi đấu thể thao dân tộc và trò chơi vận động dân gian; Trình diễn trang phục dân tộc, các nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; Triển lãm “Đặc trưng văn hóa dân tộc Dao trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”…
Các chương trình được chuẩn bị chu đáo, chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Dao, góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố thời đại; gắn hoạt động văn hóa, thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các địa phương.
Ngày hội thực sự là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.
Minh Tâm