Thành phố Nhật Bản nổi tiếng với ẩm thực đường phố
Theo hãng CNN, những quầy hàng này được gọi là yatai và là một phần không thể xóa nhòa trong văn hóa ẩm thực đặc trưng của thành phố Fukuoka.
Thực khách ngồi tập trung ở yatai tại một địa điểm sầm uất dọc sông Naka ở Fukuoka. Ảnh: CNN
Yatai là tên gọi những quầy hàng lưu động ở Nhật Bản. Yatai thường có mặt trong thời gian diễn ra các kỳ lễ hội (matsuri), song một số quầy hàng sẽ cố định lâu dài ở một số điểm của thành phố, đặc biệt là ở những khu vực có nhiều cơ quan, dân công sở và khách du lịch.
Yatai được biết đến là những địa điểm cụ thể khiến nhiều người muốn dừng lại tại các tuyến đường lớn dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, những quán hàng chỉ có thể hoạt động vào ban đêm để phục vụ nhu cầu thực khách. Và trước khi bắt đầu ngày mới, người bán hàng phải dỡ bỏ và dọn dẹp quầy hàng nhường lại không gian thoáng đãng của vỉa hè cho sinh hoạt của người dân vào ban ngày.
Vào ban đêm, thành phố như chuyển đổi thành cảnh quan khác, cảm xúc khác và không gian khác. Xe đẩy bán hàng xuất hiện kỳ diệu trên vỉa hè, phục vụ mọi thứ từ gyoza (ở Fukuoka, những loại bánh bao phổ biến này được phục vụ ở dạng nhỏ, vừa ăn) cho đến mì ramen, thịt xiên hay món lẩu gà địa phương gọi là oden kết hợp với mì Udon Asahi lạnh hoặc bia Sapporo.
Ông Nick Szasz, một cư dân Nhật Bản gốc Canada, người điều hành trang web tiếng Anh Fukuoka Now cho biết yatai là điểm đến tốt nhất để kết bạn. Đặc biệt là vào mùa đông.
Hầu hết các xe bán đồ ăn di động chỉ đủ cho khoảng từ 6-10 người, những thực khách ghé qua sẽ ngồi trên những chiếc ghế dài hoặc những chiếc ghế đẩu, đôi khi là rất đông đúc để thưởng thức món ăn ngay trên vỉa hè đường phố.
Vào mùa lạnh, nhiều yatai giữ ấm cho khách hàng bằng cách che băng ghế với rèm dày, khiến trải nghiệm càng trở nên ấm cúng hơn.
Trong khi người dân Nhật Bản thường nổi tiếng với phong thái lịch sự thì ông Szasz giải thích việc trò chuyện với người lạ khi tụ tập đông tại yatai đã trở thành thói quen phổ biến và sôi nổi ở đây. Mọi người cũng trở nên thân thiện và cởi mở hơn ở yatai.
Phản ánh văn hóa ẩm thực, thúc đẩy phát triển thành phố
Một người bán hàng chuẩn bị món mì ramen nước luộc thịt lợn kiểu Hakata địa phương tại yatai ở Fukuoka. Ảnh: CNN
Nếu chính quyền thành phố Fukuoka đi theo hướng khác thì yatai có thể đã trở thành quá khứ. Tuy nhiên, những yatai vẫn được giữ và duy trì cho đến ngày nay.
Già hóa dân số ở Nhật Bản được ví như "cơn sóng thần màu xám" với ước tính cứ 10 người thì sẽ có 1 người trên 80 tuổi. Nhưng Fukuoka, thành phố lớn nhất trên đảo Kyushu, đang đi ngược lại xu hướng đó.
Hiện ông Enter Sōichirō Takashima là thị trưởng ở thành phố Fukuoka kể từ năm 2010. Ông cũng là thị trưởng trẻ nhất trong lịch sử thành phố Fukuoka. Và cải tổ các yatai là một trong những sáng kiến lớn được thúc đẩy bởi thị trưởng Enter Sōichirō Takashima - người vừa được tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 vào năm 2022,
Chính quyền thành phố đã có chính sách khuyến khích và thu hút sinh viên mới tốt nghiệp đại học cũng như các doanh nhân trẻ trên khắp đất nước bằng cách hỗ trợ các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ với giá thuê phải chăng và không gian làm việc hợp lý.
Bởi vì điểm đến này nổi tiếng với nhiều món ăn đường phố và rất nhiều xe bán đồ ăn nên chính quyền ông Takashima đã thành lập một ủy ban giám sát, quản lý và đảm bảo những gian hàng đường phố luôn là một phần quan trọng của thành phố.
Ủy ban đã thiết lập một số quy tắc cơ bản cho yatai, chẳng hạn như tối đa 120 xe đẩy trong đêm (hiện có 96 xe đã đăng ký), yêu cầu giá cả phải được trưng bày niêm yết ở nơi dễ thấy nhất và cấm bán thực phẩm tươi sống. Vì vậy, nếu muốn thử món sashimi ở thành phố Fukuoka tươi ngon nổi tiếng, bạn nhất định phải đến một nhà hàng truyền thống.
Bên cạnh đó, thay vì hạn chế cộng đồng yatai, việc quy hoạch ngành công nghiệp này đã thu hút số lượng lớn thế hệ mới trẻ hơn để điều hành yatai, được xem như cuộc thử nghiệm những phong cách và hương vị mới thu hút người dân địa phương quay trở lại.
Chẳng hạn như ở Telas & Mico, ông Kensuke Kubota – một người từng được đào tạo tại Zuma ở London trước đây - đã quay trở lại Nhật Bản và phục vụ món bruschetta kiểu Ý phủ mentaiko, một loại trứng cá tuyết cay là loại gia vị phổ biến nhất ở Fukuoka.
Tuy nhiên, món ăn không phải là điểm thu hút duy nhất ở đây. Nhiều xe đẩy hàng còn có thiết kế kiểu dáng bắt mắt mang lại cảm giác cá tính hơn những gì có trong thực đơn.
Chẳng hạn như Telas & Mico thường được sơn màu xanh nổi bật đặt trên vỉa hè đông đúc, sầm uất cạnh ga xe lửa Nianjin. Chủ của Yatai là ông Keiji ở khu phố Akasaka thời thượng từng làm thợ mộc cho các đền thờ Thần đạo Nhật Bản nên đã thiết kế chiếc xe đẩy trông giống như một ngôi đền.
Hay một số quầy di động thậm chí đã ngừng bán đồ ăn hoàn toàn, trở thành quán bar phục vụ những người thích yatai đang tìm kiếm điểm dừng cuối cùng trên đường về nhà.
Ngoài ra, ngành du lịch địa phương thành phố Fukuoka cũng tạo thêm một trang web tiếng Anh với các bản đồ và lời khuyên cho du khách về yatai.
Chính quyền Fukuoka đã mang đến một sắc thái mới cho thành phố, thu hút du khách và số lượng lớn thế hệ trẻ mới về đây. Thành phố đã trở thành điểm đến nổi tiếng về ẩm thực đường phố. Đó cũng chính là cách làm để xây dựng bản sắc riêng của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cho thành phố./.
Hồng Nhung